Vượt qua “khủng hoảng” đi làm sau Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Trầm cảm” sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là một tình trạng diễn ra ở rất nhiều nhân viên, học sinh, sinh viên. Hình ảnh những nhân viên, học sinh uể oải, tâm hồn “bay” ở trên mây, trên gió, khiến nhiều trường học, công ty, cơ quan đau đầu tìm cách giải quyết vấn đề này.
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người cảm thấy chán nản, hụt hẫng không muốn làm việc. (Ảnh minh họa, nguồn: NQH Tutor)
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người cảm thấy chán nản, hụt hẫng không muốn làm việc. (Ảnh minh họa, nguồn: NQH Tutor)

Muốn “xuyên thời gian” về lại ngày 30 Tết

Dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã trôi qua nhiều ngày, nhưng anh Phạm Minh Phương (26 tuổi, Hà Nội) vẫn không thể tập trung làm việc. Mỗi buổi sáng, thức dậy vào 7 giờ vẫn là một “cực hình” đối với Phương. Đến văn phòng, anh chỉ nhìn lịch để bàn, tính ngày đến các kỳ nghỉ lễ tiếp theo như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5,...

Minh Phương chia sẻ: “Có những ngày, tôi đánh lừa bản thân rằng việc đi làm lại chỉ là một ác mộng, khi mở mắt tỉnh dậy, sẽ vẫn là ngày 30 Tết, vui vẻ bên gia đình, bạn bè”. Minh Phương cho biết tâm lý chán nản, u uất sau kỳ nghỉ Tết năm nào cũng diễn ra đối với anh, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt, nhưng Phương không thể kiềm chế được cảm xúc.

Giống như Minh Phương, Bảo Linh (28 tuổi, Hà Nội), hiện là nhân viên văn phòng gần 5 năm, nhưng cô không thoát khỏi “trầm cảm” sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trước Tết, Linh háo hức, mong chờ bao nhiêu, sau Tết cô lại càng thất vọng, hụt hẫng, chán chường khi phải đi làm trở lại:

“Nhiều ngày liên tiếp, tôi chỉ xem lại ảnh chụp cùng gia đình, bạn bè trong những ngày Tết. Đêm nào tôi cũng thức đến một, hai giờ sáng, mất ngủ vì sợ cảm giác đi làm”. Có những đêm, Linh còn khóc ướt cả gối, hy vọng sáng hôm sau tỉnh dậy sẽ quay trở lại những ngày Tết, tiếp tục được đi chơi với bạn bè, gia đình, họ hàng. Cảm xúc tiêu cực này khiến cô không chú tâm làm việc, chỉ chờ đến giờ tan làm để đi về nhà.

Trần Ngọc My (19 tuổi, Hà Nam) cho biết, việc phải lên Hà Nội trở lại trường đại học sau Tết khiến em rất nhớ nhà. My không muốn học, dù kỳ thi sắp tới, thậm chí em còn viết sẵn đơn bảo lưu kết quả học tập: “Em cảm mấy mơ hồ trước tương lai. Cứ nhìn vào sách là mắt em díu lại buồn ngủ. Rất nhiều hôm em ước được nghỉ Tết mãi mãi. Nếu không phải bạn bè khuyên can, em đã nộp đơn xin bảo lưu kết quả học tập ngay lập tức”, My chia sẻ.

Theo bác sĩ, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết việc cạn kiệt năng lượng sau Tết là tình trạng nhiều người gặp phải, dấu hiệu bao gồm cảm giác uể oải, khó ngủ, đau mỏi vai gáy, thắt lưng, khó tập trung công việc, tinh thần đi xuống. Nhiều chuyên gia mô tả về tình trạng này là “post-vacation depression” - “trầm cảm sau nghỉ lễ”.

Thực tế, tâm lý chán nản, hụt hẫng, thất vọng, không thể bắt nhịp với công việc sau những kỳ nghỉ lễ, Tết, các chuyến du lịch là chuyện phổ biến ở rất nhiều người. Thậm chí, trên thế giới còn có tên gọi riêng đặt cho hội chứng này là “Post-Holiday blues” có nghĩa là “căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ”. Tại châu Âu, Mỹ, hiện tượng này thường diễn ra vào mùa đông, khi các kỳ nghỉ lễ như Giáng sinh, năm mới liên tục diễn ra. Ở Nhật Bản, các kỳ lễ dài thường tập trung vào tháng 5, đây là thời điểm ghi nhận hội chứng “căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ” diễn ra ở người lao động.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến mọi người rơi vào tình trạng chán nản, không muốn làm việc sau những kỳ nghỉ kéo dài. Theo Paul Nestadt, đồng giám đốc Phòng khám Rối loạn lo âu Johns Hopkins và trợ lý giáo sư về Khoa học Tâm thần và Hành vi, đã từng lý giải trong một bài báo vào vài năm trước đây tâm lý thất vọng, u buồn sau kỳ nghỉ lễ của mỗi người đều có nguyên nhân khác nhau. Đối với một số người khi tận hưởng kỳ nghỉ lễ, dành thời gian cho gia đình, bạn bè khiến hai loại hormone tạo cảm giác dễ chịu là dopamine và serotonin tăng cao. Kỳ nghỉ lễ chấm dứt đột ngột, làm cho họ mất phương hướng, hụt hẫng và chán nản. Có những người lại do thiếu chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh trong kỳ nghỉ lễ. Việc sử dụng nhiều đồ ăn có đường, chất béo, rượu, bia khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến tâm trạng làm việc. Ngoài ra, những chuyến đi chơi liên tục trong ngày lễ, khiến mọi người trở nên kiệt sức, không có năng lượng để trở lại làm việc,...

Nhưng dù do nguyên nhân nào gây ra, hội chứng “căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ” đã và đang tác động tiêu cực đến người lao động, học sinh, sinh viên. Khiến cho các hoạt động bị trì trệ, tâm lý mọi người không thoải mái. Thậm chí, nhiều người đã có quyết định nông nổi, dựa theo cảm xúc như nghỉ việc, bảo lưu học tập trên trường. Vào đầu năm mới, không ít công ty phải đối diện với việc thiếu nhân lực khi hàng loạt đơn xin nghỉ việc được gửi đến bộ phận nhân sự.

“Chữa lành” hậu nghỉ Tết

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy cảm xúc tích cực tác động rất mạnh mẽ đến hiệu quả làm việc. Một nhân viên vui vẻ, năng động sẽ sẵn sàng sáng tạo, đề xuất những ý tưởng mới, chấp nhận thách thức và rủi ro. Ngược lại, một nhân viên với tinh thần suy nhược, mệt mỏi sẽ giảm khả năng tập trung, giải quyết công việc. Thấu hiểu điều này, rất nhiều tổ chức, cá nhân tự tìm biện pháp để thoát khỏi tâm lý “căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ”, tìm lại nguồn năng lượng học tập, làm việc.

Một số người sẽ chọn học thêm một kỹ năng mới, khởi động đầu năm bằng lớp tập thể dục thể thao, vẽ tranh, đàn hát, âm nhạc để kích thích sức sáng tạo, xây dựng thói quen lành mạnh. Như Phạm Quỳnh Anh (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, từ ngày mùng 6 Tết, chị đã đến phòng tập, đăng ký lớp tập yoga, tập gym để rèn luyện cơ thể, giảm mỡ sau bữa tiệc ngày Tết. Việc giúp cho bản thân năng động, khiến cho chị Quỳnh Anh sớm bắt nhịp lại với công việc ngay từ ngày đầu tiên đi làm. Chị cho biết: “Đối diện với cảm xúc tiêu cực, tôi thường bắt đầu với một hoạt động, việc làm mới, lành mạnh để thoát ra khỏi suy nghĩ không tốt”.

Tinh thần chán nản, khiến người trì trệ, chậm chạp giải quyết công việc, học tập. (Ảnh minh họa, nguồn: tutinvaodoi.vn)

Tinh thần chán nản, khiến người trì trệ, chậm chạp giải quyết công việc, học tập. (Ảnh minh họa, nguồn: tutinvaodoi.vn)

Một số người khác chuẩn sẵn bị cho tâm lý “căng thẳng hậu Tết”, bằng cách lên kế hoạch từ cuối năm trước. Nguyễn Thu Trang (32 tuổi, Bắc Giang), từ khi bắt đầu nghỉ Tết, cô đã viết sẵn kế hoạch phát triển sự nghiệp trong năm 2024. Trang tâm sự: “Trong năm 2023, nhờ có việc định hướng chi tiêu, làm việc mà tôi đã mua được một chiếc xe mới, thực hiện hai chuyến đi du lịch nước ngoài. Tôi đang lên kế hoạch dài hạn để tiết kiệm tiền chuẩn bị mua một ngôi nhà nhỏ cho riêng mình”. Với việc đặt ra mục tiêu từ đầu năm, khi bắt tay vào làm việc, tâm trạng của Thu Trang rất hứng khởi. Cô không bị vướng phải tâm lý trì hoãn như nhiều đồng nghiệp mắc phải.

Còn Nguyễn Nhật Nam (26 tuổi, Hà Nội), anh cho biết, sau kỳ nghỉ Tết dài 7 ngày, anh cũng đối diện với cảm giác uể oải, hụt hẫng khi đi làm. Tuy nhiên, sớm nhận ra cảm xúc tiêu cực của bản thân, Nam tìm đến các lớp học thiền vào cuối tuần. Anh chia sẻ: “Những ngày nghỉ Tết, khiến thói quen, nếp sống thường nhật của tôi bị thay đổi. Tôi nuông chiều bản thân hơn, dễ dãi trong việc ăn uống, ngủ nghỉ. Hậu Tết, tôi đang chầm chậm để cơ thể, tâm trí thích nghi và quay về với cuộc sống bình thường”. Đối với Nam, chọn thiền giúp anh cân bằng cuộc sống, bình tĩnh trước đợt “sóng” cảm xúc bất thường sau những ngày nghỉ lễ dài hạn.

Hiện nay, hiểu được tâm lý người lao động, nhiều công ty, cơ quan, nhà máy đã tạo điều kiện giúp nhân viên hứng thú khi bắt đầu lại công việc sau Tết Nguyên đán. Một số công ty bỏ chấm công vào những tuần đầu sau khi đi làm, để nhân viên giảm áp lực phải đi sớm, về muộn. Có những công ty cho nhân viên được đăng ký làm online một số ngày trong tuần, điều này giúp cho người đi làm có thể hồi phục dần tinh thần làm việc hậu nghỉ Tết. Cũng có không ít công ty tạo không gian làm việc thư giãn, sạch đẹp, mở lớp tập thể thao để giúp nhân viên vui vẻ, hào hứng khi đi làm trở lại.

Còn theo lời khuyên của nhiều chuyên gia tâm lý, những ngày đầu đi làm sau khi nghỉ Tết, mọi người cần cân bằng giữa làm việc, học tập và nghỉ ngơi. Ví dụ như học sinh, sinh viên, người lao động không nên cố gắng 100% sức lực. Mỗi người cần điều độ việc ăn uống, tập thể dục, thư giãn, giải trí. Đồng thời thay vì việc ngồi “đếm” những kỳ nghỉ sắp tới hoặc nuối tiếc quá khứ, mọi người nên chọn một kỹ năng mới để học, xây dựng kế hoạch làm việc, đặt kỳ vọng vừa sức bản thân,...

Thực tế, sẽ không có một mẫu số chung nào để giúp mọi người thoát ra khỏi tâm lý “căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ”. Có những người sẽ mất vài ngày, có người mất đến cả tuần, vài tháng để làm việc, học tập trở lại. Trong thời đại “Thời gian là vàng” như hiện nay, chắc hẳn mọi người đều mong muốn lấy lại niềm vui, năng lượng làm việc, học tập ngay từ những tuần đầu năm mới. Vì vậy, thay vì trì hoãn làm việc, tiếc nuối kỳ nghỉ Tết đã qua, mỗi người tự tìm ra niềm hứng khởi cho cuộc sống, công việc của bản thân.

Đọc thêm