Ảnh minh họa: Independent. |
Trên trang Independent, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra lời vận động “Hành động ngay lập tức để chống lại cơn sóng dữ của ung thư sẽ tràn ngập trên khắp hành tinh trong 20 năm tới”. Tổ chức này nêu lên những con số thông kê và lời cảnh báo được trích lược như sau:
- Dự báo số bệnh nhân ung thư mới phát hiện trong năm 2035 sẽ lên đến xấp xỉ 24 triệu, tức là gia tăng 70% so với năm 2012 là 14,1 triệu. Con số này được trích từ báo cáo về tình hình ung thư trên thế giới của Cơ quan quốc tế về ung thư của WHO (IARC).
- Số trường hợp tử vong hàng năm do ung thư có thể tăng gần gấp đôi, từ 8,2 triệu vào năm 2012 lên 14,6 triệu người vào năm 2035.
- Gánh nặng ung thư toàn cầu trong tương lai sẽ chuyển dần sang các nước nghèo.
Tuy nhiên, Tổ chức y tế thế giới cũng nhấn mạnh rằng một nửa số bệnh ung thư trên thế giới đã có thể phòng ngừa được bằng những thành tựu trong y học.
Thành viên trong nhóm báo cáo, tiến sĩ Bernard Stewart, đến từ ĐH New South Wales ở Australia cho biết một trong các chìa khóa quan trọng của việc phòng tránh ung thư là việc thay đổi nhận thức và lối sống của mỗi người.
Ông nói: "Lấy ví dụ thức uống có cồn như rượu, bia, ngoài những hậu quả trước mắt như tai nạn hay đánh nhau do loạn tính, nhiều người dường như bỏ qua mối liên hệ giữa nó và ung thư, một điều vốn đã được y học chứng minh”. Ông cũng gợi ý mọi người nên “thay đổi hành vi không chỉ ở cấp độ cá nhân, mà cần có những biện pháp mang tầm quy mô lớn hơn như điều chỉnh các chính sách về rượu, hạn chế sản xuất, giảm quảng bá, tăng giá thành chất có cồn…
Những nước nghèo và ít phát triển hơn sẽ phải đối diện với vấn nạn ung thư nặng nề hơn, như số ca bệnh mới sẽ tăng 40% hàng năm, trong khi các nước giàu có hơn chỉ tăng 20%. Điều này được lý giải bởi sự hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ điều trị và dự phòng (bao gồm tầm soát ung thư, tiêm ngừa văcxin), đồng thời do lối sống (hút thuốc và nhậu nhẹt nhiều hơn, ăn những thức ăn nhiều chất bảo quản).
Tiến sĩ Christopher Wild, Giám đốc Cơ quan quốc tế về Ung thư nhấn mạnh vai trò của công tác phòng chống ung thư bằng dự phòng là rất quan trọng trong bối cảnh y học hiện tại và vài thập niên tới vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị ung thư.
Ông chia sẻ trong bản báo cáo của mình: “Từ khoảng giữa thế kỷ trước đến nay, y học đã đạt được không ít thành tựu to lớn trong việc xác định nguyên nhân gây ung thư. Nhờ đó 50% số bệnh nhân ung thư đã được dự phòng hiệu quả".
Hút thuốc lá chịu trách nhiệm khoảng 20% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới. Trong đó ung thư phổi là phổ biến nhất, chiếm 13% tổng số ca bệnh và 19% số trường hợp tử vong do ung thư.
Tiến sĩ Wild cũng khuyến nghị nên áp dụng bài học từ công cuộc chống lại khói thuốc bằng việc tăng thuế, quảng bá về phòng chống hút thuốc, quy định cấm hút thuốc nơi công cộng… Những việc làm này góp phần đóng góp vào công cuộc phòng chống khói thuốc, và nên chăng cũng áp dụng cho những tác nhân gây ung thư khác như bia, rượu.