WHO lên tiếng về chiến lược ‘Zero COVID-19’ của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định rằng chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc không bền vững, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thay đổi chính sách.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tại một họp báo ngày 10/5 (giờ địa phương), Tổng giám đốc WHO ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, chiến lược “Zero COVID-19” của Trung Quốc là không bền vững dựa trên những thông tin thế giới đã biết về dịch bệnh này. Đây cũng là một trong những bình luận hiếm hoi của lãnh đạo WHO về phương pháp xử lý đại dịch của các nước.

“Khi nói về chiến lược ‘Zero COVID-19’, chúng tôi cho rằng nó sẽ không duy trì được lâu nếu xét tới cách virus đang hoạt động và những gì chúng tôi dự đoán trong tương lai”, ông Tedros nói và cho biết thêm: "Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các chuyên gia Trung Quốc và chúng tôi chỉ ra rằng cách tiếp cận này sẽ không bền vững. Việc chuyển sang một chiến lược khác sẽ rất quan trọng".

Trong khuôn khổ chính sách “Zero COVID-19”, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, khiến phần lớn trong số 25 triệu người Thượng Hải phải ở nhà trong nhiều tuần để kiểm soát đợt dịch nghiêm trọng nhất của nước này.

Cuộc phong tỏa ở Thượng Hải khiến nhiều người dân bất bình, trong khi việc đi lại ở thủ đô Bắc Kinh dần bị siết chặt.

Giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng đã đến lúc phải nhấn nút khởi động lại và bất kỳ biện pháp chống dịch nào cũng cần phải thể hiện "sự tôn trọng thích đáng đối với các quyền cá nhân và con người".

"Chúng tôi luôn nói với tư cách WHO rằng cần cân bằng các biện pháp kiểm soát với tác động của chúng đến xã hội, nền kinh tế", ông Ryan nói.

Quan chức này lưu ý Trung Quốc đã ghi nhận 15.000 ca tử vong kể từ khi COVID-19 xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán cuối năm 2019, một con số tương đối thấp so với gần một triệu người ở Mỹ, hơn 664.000 người ở Brazil và hơn 524.000 người ở Ấn Độ. Theo ông Ryan, từ đó có thể hiểu được lý do quốc gia đông dân nhất thế giới muốn thực hiện biện pháp cứng rắn để hạn chế lây lan.

Đọc thêm