WHO: Thế giới "mù mịt" về những gì COVID-19 gây ra khi tỷ lệ xét nghiệm giảm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Đại dịch còn lâu mới kết thúc", lãnh đạo của WHO nhấn mạnh sau hai năm tính từ lần đầu tiên ông sử dụng thuật ngữ "đại dịch" để đánh thức thế giới về mối đe dọa đang nổi lên của COVID-19.
Virus corona vẫn đang lây lan ở mức độ quá mạnh suốt 3 năm. Ảnh: ADB (Người dân trên đường phố Tokyo, Nhật Bản)
Virus corona vẫn đang lây lan ở mức độ quá mạnh suốt 3 năm. Ảnh: ADB (Người dân trên đường phố Tokyo, Nhật Bản)

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lần đầu tiên mô tả COVID-19 là một đại dịch vào ngày 11/3/2020. Hai năm trôi qua, ông vẫn phải cảnh báo về việc virus vẫn đang phát triển và bùng phát mạnh mẽ ở một số nơi trên thế giới.

WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm - mức báo động cao nhất trong các quy định của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc - vào ngày 30/1/2020. Nhưng chỉ riêng việc sử dụng từ "đại dịch" 6 tuần sau đó đã khiến nhiều quốc gia phải hành động.

"Hai năm sau, hơn 6 triệu người đã chết", ông Tedros nói trong một cuộc họp báo, trong khi gần 444 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận. Mặc dù các trường hợp được báo cáo và số ca tử vong đang giảm trên toàn cầu, một số quốc gia đã dỡ bỏ các hạn chế, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc - và nó sẽ không kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi", Tổng Giám đốc WHO lưu ý.

Ông Tedros cho biết: “Virus tiếp tục phát triển và chúng tôi tiếp tục đối mặt với những trở ngại lớn trong việc phân phối vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị ở mọi nơi chúng cần thiết".

Tổng Giám đốc WHO

Tổng Giám đốc WHO

Tổng Giám đốc WHO cũng đưa ra lời cảnh báo về sự sụt giảm tỷ lệ xét nghiệm gần đây, nói rằng nó khiến thế giới "mù mịt" về những gì COVID-19 gây ra. Ông Tedros nói: “WHO lo ngại rằng một số quốc gia đang giảm mạnh việc xét nghiệm. Điều này hạn chế khả năng của chúng ta trong việc nhìn thấy virus đang ở đâu, cách nó lây lan và cách nó phát triển".

Số trường hợp mắc bệnh mới giảm 5% trên toàn thế giới vào tuần trước so với tuần trước đó, trong khi số trường hợp tử vong giảm 8%. Tuy nhiên, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, cảnh báo rằng tỷ lệ trường hợp mắc bệnh chắc chắn là thấp do tỷ lệ xét nghiệm giảm mạnh.

Bà nói: “Virus vẫn đang lây lan ở mức độ quá mạnh suốt 3 năm kể từ khi xảy ra đại dịch này. Mặc dù chúng ta đang nhìn thấy xu hướng giảm các ca nhiễm và tử vong... nhưng vẫn có hơn 10 triệu ca được báo cáo ở cấp độ toàn cầu vào tuần trước".

Trong bản cập nhật hàng tuần về sự lây lan của virus, WHO trước đó đã nói rằng biến thể Omicron có "sự thống trị toàn cầu" so với các đột biến khác của virus. WHO cho biết Omicron chiếm 99,7% các mẫu được thu thập trong 30 ngày qua đã được giải trình tự và tải lên Sáng kiến ​​khoa học toàn cầu GISAID.




Đọc thêm