WHO thúc giục đóng góp để kết thúc đại dịch COVID-19 trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa lên tiếng kêu gọi các quốc gia giàu có đóng góp một phần công bằng số tiền cần thiết cho kế hoạch chấm dứt đại dịch COVID-19 của tổ chức này bằng cách khẩn cấp đóng góp 16 tỷ USD.
Chương trình Covax nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19.
Chương trình Covax nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19.

Theo AFP, WHO cho rằng, việc bơm tiền nhanh chóng cho chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) của tổ chức này có thể chấm dứt COVID-19 như một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong năm nay.

ACT-A do WHO đứng đầu nhằm phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ để đối phó với đại dịch, cụ thể là vaccine, sinh phẩm xét nghiệm, phương pháp điều trị và thiết bị bảo vệ cá nhân.

ACT-A đã khởi động chương trình Covax, được thiết kế để đảm bảo các nước nghèo hơn có thể tiếp cận với vaccine. Đến giữa tháng 1 vừa qua, Covax đã cung cấp 1 tỉ liều vaccine.

ACT-A cần 23,4 tỷ USD cho chương trình của họ trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, nhưng cho đến nay mới chỉ huy động được 800 triệu USD.

Do đó, kế hoạch này muốn các quốc gia giàu có trả trước 16 tỷ USD "để thu hẹp khoảng cách tài chính trước mắt", phần còn lại do các quốc gia có thu nhập trung bình đóng góp tự nguyện.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến việc đảm bảo các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine được phân phối công bằng càng trở nên cấp bách.

"Dù bạn sống ở đâu, COVID-19 vẫn chưa kết thúc với chúng tôi. "Khoa học đã cho chúng ta các công cụ để chống lại COVID-19; nếu chúng được chia sẻ trên toàn cầu trong sự đoàn kết, chúng ta có thể chấm dứt COVID-19 như một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong năm nay”, ông nói.

Chỉ 0,4% trong số 4,7 tỷ xét nghiệm COVID-19 đã được thực hiện trên toàn cầu thời gian qua được thực hiện ở các nước có thu nhập thấp.

Trong khi đó, chỉ 10% người dân ở các quốc gia này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. WHO cho rằng, sự bất bình đẳng lớn không chỉ gây thiệt hại về sinh mạng và làm tổn thương các nền kinh tế, mà còn có nguy cơ làm xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm hơn có thể cướp đi hiệu quả của các công cụ hiện tại và đẩy lùi kết quả ở những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói với buổi phát động chiến dịch rằng việc khắc phục đại dịch là điều trong tầm tay trong năm nay, "nhưng chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ".

“Nếu chúng ta muốn đảm bảo tiêm chủng cho tất cả mọi người để chấm dứt đại dịch này, thì trước tiên chúng ta phải đưa sự công bằng vào hệ thống”, ông nói.

ACT-A đã đưa ra một mô hình tài chính "chia sẻ công bằng" mới về số tiền mà mỗi quốc gia giàu có trên thế giới nên đóng góp, dựa trên quy mô nền kinh tế quốc gia của họ và những gì họ sẽ thu được từ sự phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế toàn cầu.