Theo ThS.Trần Văn Duy – Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam, quyền TCTT vừa giúp xây dựng Chính phủ “mở”, gần người dân hơn, vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Nhưng thời gian qua việc cung cấp thông tin mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu TCTT của người dân, kể cả những thông tin liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Cung cấp thông tin không chỉ là “tin” mà phải để người TCTT nắm được các nội dung, kiến thức cốt lõi trong hồ sơ, tài liệu. Thông tin được cung cấp phải chính xác nên Luật TCTT phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông tin, trước khi thông tin phải có phân tích, đánh giá, thậm chí là có kết luận, khuyến nghị cụ thể trước khi đưa ra công chúng.
Tuy nhiên, việc chỉ qui định chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là các cơ quan nhà nước mà không bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội – nghề nghiệp, xã hội như dự thảo là “không thỏa mãn được những đặc thù của hệ thống chính trị nước ta hiện nay” - ThS.Trần Văn Duy nhận xét.
Cùng nhận định, ThS.Nguyễn Minh Sơn – Ban Thanh tra TANDTC đề xuất phải bổ sung các chủ thể ngoài nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nắm giữ thông tin thông tin liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân nhằm bảo đảm quyền được thông tin, biết và tham gia vào công việc quốc gia của người dân, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Cụ thể hơn, ThS.Trần Văn Duy cho rằng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng “tất cả các cơ quan, tổ chức sử dụng quyền lực công hoặc tài sản, ngân sách do người dân đóng góp đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, dù cơ quan đó được hình thành dưới hình thức nào và hoạt động theo nguyên tắc nào”.