Mức truyền tải cao nhất thực hiện trên đường dây 500kV Hà Tĩnh - Đà Nẵng đạt công suất cực đại là 2.123MW.
Các dự án nguồn “đuổi” kịp tiến độ
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, sản lượng điện toàn hệ thống trong tháng 5 vừa qua đạt 16,52 tỷ kWh, trong đó ngày cao nhất đạt 567,7 triệu kWh (ngày 10/5), công suất cao nhất đạt 26.897MW (ngày 9/5).
Cụ thể, sản lượng điện sản xuất và mua của tập đoàn trong tháng 5 ước đạt 15,96 tỷ kWh. Lũy kế 5 tháng năm 2016, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 69,84 tỷ kWh; trong đó, thủy điện chiếm 26,07%, nhiệt điện than chiếm 41,30%, tua-bin khí chiếm 29,76%, nhiệt điện dầu chiếm 1,53% và nhập khẩu chiếm 1,37%).
Đáng nói, xu hướng truyền tải trên lưới 500kV trong tháng 5/2016 tiếp tục được ghi nhận theo hướng Bắc - Trung truyền tải vào Nam do tăng cường khai thác nguồn điện ở miền Bắc nhằm tiết kiệm thuỷ điện ở miền Trung và miền Nam, với mức truyền tải cao nhất thực hiện trên đường dây 500kV Hà Tĩnh - Đà Nẵng đạt công suất cực đại tới 2.123MW.
Trao đổi với PLVN, đại diện EVN cho hay, các đơn vị liên quan của tập đoàn này đang ráo riết giám sát tiến độ các dự án để chủ động về nguồn điện. Theo đó, các Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng, Thái Bình; các Dự án Thủy điện Thác Mơ và Đa Nhim mở rộng - công trường thi công vẫn làm chủ được tiến độ.
“Trong đó, Thủy điện Thác Mơ mở rộng đã hoàn thành toàn bộ công tác bê tông hầm dẫn nước trước 12 ngày so với kế hoạch; Thủy điện Đa Nhim mở rộng đã hoàn thành đàm phán hợp đồng gói thầu cơ điện để chuẩn bị ký hợp đồng”, EVN thông tin.
Trước nhu cầu ngày một lớn về điện, EVN còn tập trung chỉ đạo khởi công 2 công trình và hoàn thành đóng điện 2 công trình, trong đó có Dự án đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho.
Thủy điện Lai Châu, Huội Quảng sẽ phát thêm điện
Tháng 6/2016 được dự báo là thời điểm cao điểm của mùa nắng nóng tại miền Bắc, vì thế, dự kiến phụ tải trung bình của hệ thống điện có thể đạt tới 540 triệu kWh/ngày. Nhưng qua tính toán, cân bằng cung - cầu điện năng, EVN khẳng định hệ thống điện có thể đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải.
Theo đó, mục tiêu vận hành hệ thống điện tại thời điểm này là khai thác các nhà máy thuỷ điện theo biểu đồ điều tiết, tiếp tục đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du; khai thác cao các tổ máy nhiệt điện than và tua bin khí; huy động nhiệt điện dầu Ô Môn và Cà Mau khi cần thiết.
Ngoài ra, EVN chỉ đạo các công ty điện lực đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ các kỳ thi; đồng thời triển khai phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tiết kiệm điện, đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô năm nay.
Về nguồn điện, đặt mục tiêu phát điện tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu trước ngày 15/6 và tổ máy 2 Thủy điện Huội Quảng trước ngày 20/6, hoàn thành thả rotor tổ máy 2 Thủy điện Sông Bung 2. Tiếp tục đảm bảo vận hành ổn định cả 2 tổ máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 2 tổ máy Nhiệt điện Duyên Hải 1.
Về lưới điện, EVN sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng để hoàn thành trong tháng 6/2016 các công trình như Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, Trạm biến áp 220kV Hàm Tân, Mỹ Xuân, đường dây 220kV Ba Đồn - Đồng Hới. Ngoài ra, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cấp điện cho TP.Hà Nội như đường dây 500/220kV Hiệp Hoà - Đông Anh - Bắc Ninh 2, đường dây 220kV Hoà Bình - Tây Hà Nội, các trạm biến áp 220kV Tây Hà Nội, Đông Anh, Long Biên…
“Liên quan đến dự án điện, Bộ GTVT vừa họp xử lý đề xuất của EVN về việc tăng độ sâu để tàu lớn có thể đi vào luồng sông Hậu, nhằm vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ Nhiệt điện Duyên Hải. Theo Tổng công ty Phát điện 1 (EVN), luồng sông Hậu mới đưa vào vận hành từ tháng 12/2015, thông báo hàng hải -6,5m nhưng sa bồi rất lớn, đến nay vào khoảng 1,4 triệu m3, lớp bùn loãng duy trì từ 2 - 4m. Như vậy, giai đoạn tới sẽ nạo đến -9,5 để tiếp nhận tàu đến 30.000DWT thì sa bồi còn lớn hơn. Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng đầu tư hơn 5 tỷ USD, tổng công suất khoảng 4.308MW”.