Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế tăng dần vào cuối tuần, độ mặn ở các khu vực phổ biến ở mức thấp hơn so với độ mặn cao nhất tháng 2/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 11-20/2, ở thượng nguồn sông Mê Công và khu vực Nam Bộ sẽ phổ biến ít mưa, ban ngày trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 23- 26 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 32-35 độ C, riêng miền Đông có nơi cao hơn 35 độ C.

Mực nước các trạm trung, hạ lưu sông Mê Công dao động theo xu thế giảm dần và phổ biến ở mức tương đương trung bình nhiều năm (TBNN).

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,50m, tại Châu Đốc 1,65m, ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,15-0,20m.

Mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu, đỉnh triều từ ngày 11-15/2 ở mức trung bình và ít biến đổi dao động trong khoảng 3,6-3,7m; từ ngày 16- 20/2 đỉnh triều dao động từ 3,7-3,98m. Mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu từ ngày 10-20/2 đạt 3,98m (thời gian xuất hiện khoảng từ 14-16h ngày 20/2).

Mực nước thủy triều phía Biển Tây (trạm Phú Quốc), trong khoảng thời gian từ ngày 11-14/2, mực nước cao nhất ngày ít biến đổi, phổ biến dao động từ 1,15-1,21m, từ ngày 15/2 mực nước cao nhất ngày có xu thế tăng dần. Mực nước cao nhất tại trạm Phú Quốc từ ngày 10-20/2 đạt 1,39m (thời gian xuất hiện khoảng từ 01-03h ngày 18/2).

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục tăng. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 2/2022.

Đồng thời, Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia cũng đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là cấp 2.