Tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 mới chỉ chiếm hơn 30%
Theo số liệu được báo cáo mới đây, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3, trong đó xăng E5 đạt khoảng 593.609 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 42%; xăng A95 đạt khoảng 836.296 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 58%.
Đặc biệt, một số DN đầu mối có tỷ trọng tiêu thụ E5 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ của công ty như CTCP Thiên Minh Đức, TCty Xăng dầu Quân đội, TCty Dầu Việt Nam (PVOil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Cty TNHH Hải Linh…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa tăng đáng kể, khoảng 33-34% so với năm 2017 (chỉ ở mức 8-9%) là một tín hiệu đáng mừng của thị trường nhưng các DN đầu mối cần nỗ lực hơn, quyết tâm hơn để nâng cao thị phần xăng sinh học E5, để đề án thay thế xăng A92 bằng xăng E5 của Chính phủ sớm đạt kết quả.
Tuy nhiên, theo nhiều đại diện DN kinh doanh xăng dầu, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là việc người tiêu dùng (NTD) vẫn đang nghi ngờ chất lượng xăng E5. Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định, với trách nhiệm là một DN chủ lực trên thị trường, Petrolimex đã quyết liệt trong chỉ đạo triển khai kinh doanh xăng E5 trên toàn hệ thống.
Hiện số lượng cửa hàng xăng dầu (CHXD) của Petrolimex bán xăng E5 chiếm tỷ lệ khoảng 82% và số vòi bơm xăng E5 chiếm khoảng gần 50% trên tổng số vòi bơm xăng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của NTD về xăng E5. Tại những CHXD có mặt bằng rộng, Tập đoàn đang đầu tư 01 cột bơm có 4 vòi hoặc 6 vòi để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ông Trần Ngọc Năm cũng thông tin thêm, Tập đoàn đã xây dựng chính sách khuyến khích bán lẻ xăng E5 tại các CHXD, định hướng giao kế hoạch năm 2018 trong toàn Tập đoàn phấn đấu tiêu thụ xăng E5 chiếm tỷ trọng cao hơn xăng A95 nhưng ông Năm cũng khẳng định, còn quá nhiều khó khăn trong quá trình triển khai kinh doanh xăng E5.
Vẫn là câu chuyện lòng tin của người tiêu dùng…
Một trong những lý do được ông Năm đưa ra đầu tiên là việc NTD chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5 bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều. Về vấn đề này, Báo PLVN cũng đã đề cập đến rất rõ ràng trong các bài viết trước đây. Thậm chí, có nhà khoa học còn đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có thử nghiệm công khai chất lượng xăng E5 để từ đó có những chế tài tiêu thụ loại xăng sinh học này.
Bên cạnh câu chuyện lòng tin của NTD, độ chênh giá cả giữa xăng E5 và xăng A95 cũng được đưa ra như một trong những lý do chính yếu khiến cho xăng E5 chưa chinh phục được NTD. Cụ thể, theo ông Trần Ngọc Năm, giá cả 2 loại chênh lệch chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng. Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil cũng đưa ra đề xuất, khoảng cách chênh lệch về giá giữa E5 và A95 nên luôn ở mức từ 1.800-2.000 đồng thì sẽ tạo được sự hấp dẫn đối với xăng E5 nhiều hơn nữa.
Ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV dầu khí TP HCM cũng cho biết, thực tế sản lượng bán xăng A95 của Công ty cao hơn xăng E5. Ông Hà nhấn mạnh, nếu không cải thiện về chính sách, sản lượng xăng sinh học bán ra sẽ không được như kỳ vọng. Ông Hà cũng đưa ra đề xuất tăng chênh lệch giữa E5 và A95 từ 1.800 đồng trở lên, như vậy, sẽ thực sự hấp dẫn, đặc biệt là đối tượng lái xe taxi.
Ngoài 2 lý do nêu trên, ông Trần Ngọc Năm cũng băn khoăn, việc giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100, đẩy mức giá bán E100 gần đây tăng lên. Điều này khiến chi phí phối trộn xăng E5 cũng bị tăng lên, gây thêm khó khăn cho DN. Đây cũng là vấn đề lo ngại lớn của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu.
Ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng Giám đốc Cty Tùng Lâm (đơn vị sản xuất cồn E100 duy nhất trên cả nước) cho biết, từ tháng 6/2017 đến 15/4/2018, giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng), do đó, theo ông Chỉnh, việc tăng giá E100 là “bắt buộc”, không phải vì lý do Công ty độc quyền nên mới tăng giá.
Đây cũng là chia sẻ của ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam. Ông Thái cho rằng, việc tăng giá E100 là không thể tránh khỏi do giá sắn tăng cao. Và với việc giá sắn tăng cao, người được hưởng lợi nhiều nhất là nông dân. Ông Thái khẳng định, khi giá sắn tăng, người dân sẽ duy trì sản lượng sắn, sẽ không lo thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cồn E100, như vậy, giá xăng E5 trong tương lai sẽ không lo bị ảnh hưởng từ cồn E100.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã giao nhiệm vụ cho Vụ KH&CN xem xét các ý kiến liên quan đến vấn đề chất lượng xăng E5; Vụ Thị trường trong nước sẽ tổng hợp các ý kiến liên quan đến kiến nghị về thuế bảo vệ môi trường, chênh lệch giá 2 loại xăng, phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất các ý kiến, trình Lãnh đạo Bộ, báo cáo Chính phủ.