“Xanh hóa” năng lượng - rất cần sự chung tay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình hình hiện nay và những cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi tăng tốc đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực cao, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng xanh.
Bà Titathy Nguyễn - Trưởng đại diện WEC Việt Nam phát biểu tại họp báo ngày 15/3. (Ảnh: PV)
Bà Titathy Nguyễn - Trưởng đại diện WEC Việt Nam phát biểu tại họp báo ngày 15/3. (Ảnh: PV)

Thập kỷ của các sáng kiến giảm “dấu chân carbon”

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định năng lượng đóng vai trò quan trọng và thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển năng lượng phải bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới, sản phẩm phi năng lượng, gắn với chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

Để đạt được điều đó, ngành năng lượng Việt Nam đang rất cần nhiều sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng môi trường. Đơn cử, nhằm hướng tới xã hội không carbon vào năm 2050, Ủy ban Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC Việt Nam) đã phát động chuỗi dự án “Trường kỳ xanh - Bù đắp dấu chân carbon”. Được biết, sở dĩ định hướng này được chọn cho chuỗi dự án là nhằm đạt mục tiêu tăng tốc tới netzero vào năm 2050. Các sáng kiến có thể kể tới như: Truyền thông tín chỉ carbon, sàn giao dịch carbon và cộng đồng tín chỉ carbon toàn cầu; Phong trào 1 tỷ cây xanh để đảo ngược khủng hoảng khí hậu toàn cầu; Giải pháp năng lượng bản địa - Khi năng lượng xanh đáp ứng lượng carbon bù đắp.

Dự án cộng đồng “Hành trình Xanh Việt Nam” nhằm tuyên truyền, tư vấn tới cộng đồng tạo tác động xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đồi kép về năng lượng hướng tới mục tiêu quốc gia đến năm 2050; Chuyển đổi xanh cấp thành phố (trong bản đồ năng lượng xanh 64 tỉnh, thành); Học viện Năng lượng thế giới tại Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng Hydrogen (thay thế hoàn toàn khí tự nhiên tạo ra các giải pháp năng lượng ít carbon hoặc thậm trí không có carbon)... Tất cả các sáng kiến này đều hướng tới mục tiêu của Hội đồng Năng lượng thế giới là đến năm 2030 sẽ có 1 tỷ người biết về năng lượng và môi trường cùng chuyển đổi 200 triệu việc làm sang nghề nghiệp xanh.

Tại buổi họp báo công bố Chương trình “Đại hội Năng lượng Thế giới lần thứ 26” và phát động chuỗi dự án “Trường kỳ xanh - Bù đắp dấu chân carbon” vừa diễn ra hôm qua (15/3), bà Titathy Nguyễn - Trưởng đại diện Ủy ban Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC Việt Nam) bày tỏ: “Dự án “Trường kỳ xanh - Bù đắp dấu chân carbon” do WEC Việt Nam triển khai tại Việt Nam nhằm bù đắp “dấu chân carbon” (là định nghĩa để mô tả về lượng khí nhà kính được tạo ra từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người) mà chúng ta đang phác thải ra rất nhiều. Đó là dấu chân của người dân, doanh nghiệp, các nhà máy… và chúng ta cần hành động để bù đắp nó. Như người dân có thể bù đắp bằng cách tham gia trồng cây để giúp làm sạch không khí. Dự án mong muốn nhà nhà, người người cùng chung tay để bù đắp carbon, trước hết để môi trường trong sạch, sau đó để tiến tới Net Zero vào năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ cam kết”.

Bên cạnh những sáng kiến của giới chuyên môn, khát vọng xanh hoá ngành năng lượng Việt Nam cũng rất cần các sáng kiến trong việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, truyền thông hiệu quả. Đặc biệt, cần khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể xã hội tích cực tham gia đóng góp sáng kiến và phối hợp hành động nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng môi trường ở nước ta.

Chuyển dịch năng lượng là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. (Ảnh: EVN)

Chuyển dịch năng lượng là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. (Ảnh: EVN)

Hợp tác quốc tế là tất yếu

Không chỉ riêng Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đều đang đứng trước sự khan hiếm của nhiên liệu hoá thạch, đồng thời phải đối mặt với những hệ quả đối với môi trường. Đã đến lúc con người và hành tinh cần thay đổi cách vận hành của mình. Theo đó, năng lượng xanh được dự báo sẽ tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển bền vững. “Xanh hoá” năng lượng là vấn đề toàn cầu nên sự chung tay trong cộng đồng quốc tế là rất cần thiết.

Đáng chú ý, sự kiện “Đại hội Năng lượng Thế giới lần thứ 26” với chủ đề: “Tái thiết năng lượng cho con người và hành tinh” sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 25/4/2024 tại Rotterdam - Hà Lan. Đây là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu cho việc tái thiết lại các nguồn năng lượng cho toàn cầu và từng vùng lãnh thổ, cùng nhau đưa ra các giải pháp và mang lại tác động trong một kỷ nguyên năng lượng cho con người và hành tinh.

Đồng thời, thông qua đại hội, những hướng dẫn mới, cam kết hay kỳ vọng về sự chung tay của các quốc gia trong việc thúc đẩy hành động nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, công bằng và toàn diện ở tất cả các khu vực trên thế giới sẽ được đưa ra. Sự kiện dự kiến được tổ chức với tổng số khoảng 18.000 người tham dự, quy tụ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là năm đầu tiên WEC và Chính phủ Hà Lan mời Việt Nam tham gia vào sự kiện trên để cùng bàn thảo về các vấn đề phát triển năng lượng trong thời gian tới.

Thiết kế lại năng lượng xanh cho con người và hành tinh là một vấn đề mang tính cấp thiết trên toàn thế giới. Để thúc đẩy quá trình này thì những cơ chế, chính sách pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì thế một trong những yêu cầu cần đặt ra hiện nay là hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý để quá trình xanh hoá năng lượng được nhanh chóng và bền vững.

Hội đồng Năng lượng Thế giới (gọi tắt là WEC) thành lập năm 1923, là cơ quan năng lượng toàn cầu được Liên hợp quốc công nhận đại diện cho toàn bộ các dạng năng lượng, là đối tác chiến lược của một số tổ chức chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng. Với hơn 3.000 tổ chức thành viên trong đó có các Ủy ban quốc gia của WEC đại diện tại gần 100 quốc gia trên thế giới bao gồm các nhà lãnh đạo ngành năng lượng và được tài trợ đóng góp bởi các Ủy ban quốc gia.

Hiện tại WEC có đại diện tại Việt Nam, được cấp Giấy chứng nhận hoạt động số 455/HD-CNV ngày 15/10/2019 và Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Năng lượng Thế giới. Ủy ban Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC Việt Nam) là cầu nối, hợp tác bền vững với các tổ chức liên quan đến năng lượng, mục tiêu cuối cùng là cung cấp năng lượng Việt Nam bền vững, tiết kiệm, an toàn, có trách nhiệm và gắn kết quốc tế.

Đọc thêm