Chiều 26/2, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc đang tác động đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại nước ta, các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nhiều là điện, điện tử, dệt may, da giày, túi xách, sản xuất, lắp ráp ô tô... Nguồn cung nguyên vật liệu và linh phụ kiện đầu vào sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang thiếu hụt, chỉ đủ sản xuất đến tháng 3, tháng 4/2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm dừng sản xuất là rất lớn.
Bên cạnh đó, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản... dự kiến khiến cho kinh tế thế giới bị tác động ngày càng nặng hơn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới tổng thể cả nền kinh tế, đảo lộn xã hội.
Bàn về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng nên dành gói kích cầu hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp trong nước, vì những doanh nghiệp này vốn đang rất yếu. “Đừng để khi doanh nghiệp quá yếu mới hỗ trợ vì lúc đó không còn tác dụng nữa” – ông Thắng nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ bám sát diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp. Từ đó, các đơn vị có đánh giá cụ thể về tác động của dịch bệnh đối với từng ngành hàng cụ thể, nhất là các ngành sản xuất công nghiệp, đánh giá cả những nguy cơ tác động có thể xảy ra trong tương lai trong bối cảnh các nước có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
"Phải đánh giá cho được diễn biến dịch và tình hình của nền kinh tế để xây dựng các kịch bản tốt, xấu, rất xấu. Kịch bản tốt là dịch bệnh có thể được kiểm soát trong quý 1-2020; kịch bản xấu là chúng ta chưa tính được hết đỉnh điểm dịch bệnh và dịch bệnh có thể kéo dài hết năm 2020 và lây lan ra nhiều nước; kịch bản rất xấu là có những dự đoán chưa lường hết được.
Từ các kịch bản này đưa ra tác động tới nền kinh tế, ngành công nghiệp của chúng ta như thế nào để có giải pháp cụ thể, chính xác", Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng còn chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tìm kiếm nguồn cung để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để thống nhất trong đánh giá, xây dựng kế hoạch, giải pháp và cách phối hợp, đảm bảo trúng mục tiêu, trúng đối tượng...