Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ TP.Cần Thơ đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Trước những thành tựu mà Cần Thơ đã đạt được cũng như chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP.Cần Thơ sắp tới, Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ.
- Xin cảm ơn ông đã dành cho Báo Pháp luật Việt Nam cuộc trao đổi này. Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xin ông cho biết những thành tựu mà TP.Cần Thơ đã đạt được, đặc biệt là hơn 10 năm thành phố trực thuộc Trung ương?
- Thời gian qua, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, đạt một số thành tựu sau:
Tổng GDP năm 2015 ước đạt 99.376,96 tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD), tăng gần 9 lần so với năm 2004. GDP bình quân đầu người đạt trên 79,26 triệu đồng (tương đương 3.636 USD), tăng gấp 8 lần so với năm 2004. Giá trị công nghiệp đạt trên 103 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với năm 2004.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 81 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với năm 2004. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng trên 5 lần so với năm 2004. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 17.315 tỷ đồng, tăng trên 8,5 lần so với năm 2004; thành phố là một trong 13 tỉnh, thành có điều tiết ngân sách về Trung ương 9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, tăng gần 15 lần so với năm 2004.
Trên địa bàn hiện có 52 tổ chức tín dụng (năm 2004 chỉ có 25 tổ chức), 230 điểm giao dịch, tổng vốn huy động năm 2015 ước đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, tăng trên 21 lần so với năm 2004.
Du lịch phát triển mạnh, thu hút khoảng trên 5 triệu lượt khách, trong đó trên 1,5 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu trên 1.500 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm 2004. Công tác xây dựng nông thôn mới được thành phố đặc biệt quan tâm, có 10/36 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới, không còn xã nào đạt dưới 11 tiêu chí.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục phổ thông được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phát triển nhanh, với gần 150 nghìn sinh viên, góp phần quan trọng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực của Đồng bằng sông Cửu Long.
Lĩnh vực y tế được chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng khá tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của thành phố và các tỉnh trong vùng. Công tác an sinh xã hội được thành phố đặc biệt quan tâm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 1,84%; quốc phòng - an ninh được bảo đảm; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được thành phố chú trọng.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mang lại kết quả bước đầu tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố thời gian qua.
Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ |
- Cần Thơ có vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, giữ vai trò quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xuất phát từ vị trí đó, trong thời gian tới thành phố Cần Thơ xây dựng nhiều giải pháp để xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó tập trung vào ba khâu đột phá sau: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đôi với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ngang tầm nhiệm vụ, tiếp tục phát huy lực lượng trí thức, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực phục vụ sự phát triển của thành phố; đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông vận tải, sân bay, bến cảng... đồng bộ, hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của thành phố; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và các lĩnh vực đời sống của nhân dân thành phố.
Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị cao, thu hút nhiều dự án đầu tư vào thành phố.
- Cần Thơ đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Văn kiện Đại hội Đảng sắp tới, việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong cán bộ và quần chúng có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đến nay Thành ủy chỉ đạo đã hoàn thành dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố đã gửi đến các chi bộ, đảng bộ thảo luận góp ý và đang xin ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân.
Việc lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cho Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với vai trò lãnh đạo của Thành ủy, cụ thể: Việc lấy ý kiến rộng rãi sẽ tập hợp được trí tuệ, tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng và các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, chọn lọc, tiếp nhận những ý kiến xác đáng, phù hợp để hoàn chỉnh báo cáo chính trị có chất lượng hơn.
Ý nghĩa hơn nữa, thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội; đồng thời phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân gửi gắm vào sự lãnh đạo của Đảng thông qua Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIII.
- Năm 2014, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.Cần Thơ là 59,94 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh thành, theo ông, Cần Thơ cần làm gì để nâng cao chỉ số PCI ?
- PCI của thành phố năm 2014 giảm 1,52 điểm và giảm 6 hạng so với năm 2013. Bên cạnh một số chỉ số thành phần tăng lên so với năm 2013, có 3 chỉ số giảm khá cao dẫn đến chỉ số PCI của thành phố giảm (bao gồm: tính năng động giảm 2,43 điểm, chi phí không chính thức giảm 2,23 điểm và cạnh tranh bình đẳng giảm 3,47 điểm).
Để nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, thành phố cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư; nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, chủ động đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, thông tin về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; cung cấp thông tin kịp thời về hoạt động của chính quyền, tình hình kinh tế - xã hội và các chính sách mới của thành phố; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về kỹ năng giao tiếp, về kinh tế thị trường, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế... Chú ý đề cao đạo đức công vụ, chấn chỉnh lề lối làm việc tắc trách, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.
- Hướng tới 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2015), ông có những suy nghĩ, chia sẻ gì đối với người làm công tác tư pháp ?
- Gần 70 năm qua, phải nói rằng ngành Tư pháp đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng, hoàn thiện các nền tảng pháp luật và tư pháp dân chủ nhân dân. Bên cạnh việc đảm đương tốt chức năng quản lý nhà nước đa ngành, từ cấp vĩ mô như giúp Chính phủ, Quốc hội hoạch định chiến lược pháp luật, tư pháp của quốc gia, xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến các hoạt động chuyên môn mang tính tác nghiệp, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức.
Theo tôi, người làm công tác tư pháp có quyền tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành mình, đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Trong thời gian tới, mỗi cán bộ tư pháp cần phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, vượt mọi khó khăn vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, với tinh thần “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” như lời Bác Hồ đã dạy.
- Trân trọng cảm ơn ông!