Xây dựng cho được xã hội an toàn

(PLO) - Công tác tấn công trấn áp tội phạm trên hầu hết các mặt đạt cao hơn cùng kỳ, hầu hết các loại án nghiêm trọng đều giảm, án kinh tế, tham nhũng phát hiện nhiều hơn nhưng tình hình tội phạm vẫn đang diễn ra và dự báo có nhiều phức tạp.
Ra quân trật tự an toàn xã hội và trấn áp tội phạm. (Ảnh minh họa: MH)
Ra quân trật tự an toàn xã hội và trấn áp tội phạm. (Ảnh minh họa: MH)
Đó là đánh giá tổng quan về tình hình tội phạm và kết quả công tác  phòng, chống tội phạm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) diễn ra chiều qua (22/7). 
Nhận định chung thì nguyên nhân của tình trạng này là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo; các ban, ngành cơ sở chưa phát huy hết trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm; hệ thống pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều bất cập, sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân, trong đó có thanh niên, rất đáng lo ngại... 
Còn xảy ra oan sai trong công tác điều tra
Chỉ ra những hạn chế của công tác phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP - đã thừa nhận tình trạng “còn xảy ra oan sai trong công tác điều tra”, tỷ lệ tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm được điều tra, xác minh chưa cao, số lượng vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ trôi nổi ngoài xã hội còn nhiều, công tác quản lý hiện còn nhiều bất cập, công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu...
Mặc dù có nhiều nỗ lực song qua 6 tháng đầu năm, tội phạm về kinh tế, tham nhũng tiếp tục xảy ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng nhấn mạnh đến tình trạng đáng lo ngại khi tội phạm lợi dụng những bất cập, sơ hở trong quản lý, đấu thầu, giám sát, thi công… trong các dự án tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn đầu tư của nước ngoài (đặc biệt là vốn ODA), gây ảnh hưởng lớn về uy tín của Việt Nam. 
Cùng với đó, tội phạm về ma túy, mua bán người và các loại tội phạm hình sự vẫn diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động tội phạm có tính chất ngày càng nghiêm trọng, quy mô ngày càng lớn, hoạt động xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy qua các tuyến biên giới đường bộ Việt – Lào. 
Nắm bắt tình hình chặt chẽ để kịp thời phát hiện tội phạm
Ban Chỉ đạo 138/CP đã chỉ đạo các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tập trung đẩy mạnh công tác chống tội phạm. Theo các cơ quan tham gia Ban Chỉ đạo 138/CP, kết quả công tác tấn công trấn áp tội phạm trên hầu hết các mặt đạt cao hơn cùng kỳ, hầu hết các loại án nghiêm trọng đều giảm, án kinh tế, tham nhũng phát hiện nhiều hơn. 
Song, do hệ thống pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao…, các văn bản về tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và các nước chưa đầy đủ, cũng như nhiều nguyên nhân từ các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, xã hội nên kết quả công tác phòng, chống tội phạm còn chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.
Dự báo những tháng cuối năm, tình hình an ninh trật tự tiếp tục diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng hơn. Từ diễn biến tình hình tội phạm trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Công an TP.Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - cũng dự báo: “Tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ...”. Vì vậy, Ban Chỉ đạo 138/CP yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, phát hiện, xử lý kịp thời; tập trung thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức tại 18 địa bàn trọng điểm; triển khai công tác nắm tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng trong ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm… 
6 tháng đầu năm, tội phạm hình sự xảy ra  29.111 vụ, tăng 2,21%. Tội phạm giết người cướp tài sản giảm mạnh (28,89%) nhưng tội phạm trộm cắp tăng.  Tội phạm sử dụng vũ khí “nóng” (súng, vật liệu nổ) gây án diễn ra nghiêm trọng (xảy ra 152 vụ, trong đó 97 vụ sử dụng súng quân dụng, súng tự chế), tội phạm mua bán người xảy ra 301 vụ, với 382 đối tượng và 651 nạn nhân, tăng 16% số vụ, 15% số đối tượng và 31% số nạn nhân bị mua bán… 
Kết quả đã điều tra, khám phá 22.002 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 45.261 đối tượng, đạt tỷ lệ 75,58%, triệt phá 1.469 băng nhóm tội phạm các loại; phát hiện 7.025 vụ phạm tội về kinh tế, tham nhũng, nhiều hơn 3,23% so với cùng kỳ năm 2013, điều tra làm rõ nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn trong ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. 
Các cơ quan đã đấu tranh với tội phạm ma túy tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển phát hiện bắt giữ 9.214 vụ, 13.873 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 246,039kg heroin, 103,462kg và hơn 302.048 viên ma tý tổng hợp, 656,893kg cần sa…; tiếp tục điều tra cơ bản 61 tuyến, 185 địa bàn trọng điểm, bổ sung hồ sơ 327 đối tượng liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người, điều tra, làm rõ 201 vụ, bắt 293 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 332 nạn nhân…
VKSND các cấp đã truy tố 32.551 vụ với 59.060 bị can. TAND các cấp đã xét xử 33.308 vụ án với 60.180 bị can; xác định 1.287 vụ án điểm, phối hợp tổ chức 3.649 phiên tòa xét xử lưu động.    

Đọc thêm