Xây dựng cơ sở đào tạo luật, nghề luật trọng điểm: Nền tảng cho nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao

(PLVN) - Nghị quyết 66-NQ/TW đặt ra yêu cầu xây dựng các cơ sở đào tạo luật, nghề luật trọng điểm có uy tín như một đột phá chiến lược trong cải cách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, NGƯT, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo Học viện Tư pháp nhấn mạnh, Học viện Tư pháp cần được đầu tư đúng mức để trở thành trung tâm lớn nhất trong toàn quốc đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp lý trong kỷ nguyên mới.
NGƯT, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo Học viện Tư pháp
NGƯT, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo Học viện Tư pháp

-Thưa bà, Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết 66 – NQ/TW) đã đặt ra nhiều định hướng lớn trong cải cách tư pháp và phát triển nghề luật. Theo bà, đâu là ý nghĩa trọng tâm của nghị quyết này đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng: Một trong các nhiệm vụ trọng tâm được khẳng định trong Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị là: “Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”; vàXây dựng chuẩn đào tạo đối với các chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp”. Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp ở một tầm cao mới.

Để thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian tới cần tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở xây dựng, triền khai thực hiện thống nhất chuẩn đào tạo đối với các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp (bảo đảm sự thống nhất nhưng có tính đến đặc thù của từng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp), trong đó có các chương trình mới như chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật, chuyên sâu trong các lĩnh vực nghề tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Phải khẳng định rằng, xây dựng chuẩn đào tạo đối với các chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp là một trong những khâu trọng yếu, giữ sứ mệnh là cơ sở định hướng cho việc thiết kế, đổi mới, phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu, nâng cao chất lượng đào tạo, cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo nghề luật cho người học, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

NGƯT, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo Học viện Tư pháp

NGƯT, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo Học viện Tư pháp

-Học viện Tư pháp là đơn vị khoa học công nghệ thuộc BộTư pháp, được biết bà cũng đang phụ trách công tác nghiên cứu khoa học của Học viện, định hướng cơ bản triển khai Nghị quyết 66-NQ/TW trong công tác nghiên cứu khoa học của Học viện là gì?

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng: Để triển khai Nghị quyết 66-NQ/TW, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện trong thời gian tới cần tập trung vào các nội dung định hướng sau:

Đề xuất các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện hệ thống pháp luật được xác định trong Nghị quyết 66/NQ-TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới nhằm xây dựng, hoàn thiện được hệ thống pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.

Đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; phát huy vai trò của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành.

Nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới, góp phần tăng cường tính dự báo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Bảo đảm quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phân định rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản.

Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các đạo luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Trọng tài thương mại…. và các văn bản hướng dẫn thi hành,…).

Nghiên cứu xây dựng, thực hiện chuẩn đào tạo các chương trình đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, đồng thời nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng mới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng pháp luật; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo lĩnh vực pháp luật và theo kỹ năng nghiệp vụ đặc thù của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành các hoạt động thuộc Học viện Tư pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và đổi mới phương thức giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp.

-Nghị quyết Nghị quyết 66 – NQ/TW đề cập tới việc hình thành các cơ sở đào tạo luật, nghề luật trọng điểm. Vậy theo bà, Học viện Tưpháp có được khẳng định là trung tâm lớn nhất trong toàn quốc đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp?

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng: Ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” bằng Quyết định số 1155/QĐ-TTg. Việc phê duyệt Đề án này tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Việc triển khai Đề án tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” là: (1) Lớn về số lượng các loại chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp được đào tạo; (2) Lớn về chất lượng và thương hiệu đào tạo (trong đó, chất lượng đào tạo được coi là khâu then chốt để khẳng định Học việc Tư pháp là trung tâm lớn nhất trong toàn quốc đào tạo các chức danh tư pháp) nhằm tạo nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới xây dựng, thi hành pháp luật theo NQ66- NQ/TW.

NGƯT, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo Học viện Tư pháp.

NGƯT, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo Học viện Tư pháp.

-Theo bà, vai trò của Nhà nước và Bộ Tư pháp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp là gì?

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, nguồn nhân lực tư pháp, vai trò của Nhà nước và Bộ Tư pháp trong thời gian tới cần:

Nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật về xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo của các cơ sở đào tạo luật nhằm bảo đảm sự thống nhất về chương trình, tài liệu giảng dạy của các cơ sở đào tạo luật.

Nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu đào tạo các chương trình đào tạo các chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp là đầu tư cho phát triển. Nhà nước và Bộ Tư pháp cần bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động của các cơ sở đào tạo luật, đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, đặc biệt là tập trung chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời có chế độ chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ xây dựng chính sách, pháp luật và đội ngũ giảng viên thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tư pháp cho đất nước.

-Để hình thành các Trung tâm đào tạo luật, nghề luật chất lượng cao, theo bà, cần có những cơ chế tài chính, đầu tư ra sao? Có nên có chính sách ưu tiên riêng cho đào tạo nghề luật?

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng: Để thực hiện định hướng “công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước” cần có sự đầu tư cho hoạt động đào tạo để tạo nguồn nhân lực pháp luật đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách đầu tư tài chính cho cơ sở vật chất, đặc biệt là nền tảng công nghệ thông tin, cho hệ thống học liệu, đặc biệt là học liệu điện tử; đầu tư chính sách đãi ngộ cho đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình đào tạo luật, nghề luật; đặc biệt có chính sách thu hút các chuyên gia, các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp giàu kinh nghiệm làm giảng viên thỉnh giảng.

Nên có chính sách ưu tiên để tương xứng với vai trò của hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, trong đó có công tác đào tạo nghề luật - nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đọc thêm