Văn hóa & Pháp luật

Văn hóa gia đình: Sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế đã chứng minh, những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt. Chính cái gốc ấy đã giữ cho con người, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt, tạo nên “sức mạnh mềm” cho văn hóa Việt.
 Văn hóa ứng xử bắt đầu từ gia đình.
Văn hóa ứng xử bắt đầu từ gia đình.

Văn hóa ứng xử bắt đầu từ gia đình

“Phía sau hào quang sân khấu chúng tôi là người chồng có trách nhiệm, người vợ đảm đang và cha mẹ mẫu mực” – đó là tâm sự của vợ chồng NSND Thu Quế - NSƯT Phạm Cường, những gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ và sân khấu kịch nói Việt Nam. Trò chuyện với truyền thông, NSND Thu Quế chia sẻ:

“Nhìn chúng tôi người ta thường bảo, cả hai vợ chồng đều là nghệ sĩ đôi khi cũng có những áp lực. Song khi về đến nhà, trút bỏ hào quang sân khấu, chúng tôi lại vào đúng vai trò người chồng có trách nhiệm, người vợ đảm đang và cha mẹ mẫu mực. Hôn nhân càng kéo dài theo năm tháng thì chúng tôi càng sống bình yên và hạnh phúc bên nhau hơn. Không còn cái kiểu cố chấp “ăn thua” để tranh luận xem ai đúng, ai sai nữa. Bởi lẽ chúng tôi đều hiểu rằng việc “đấu khẩu” và cố chấp bảo vệ quan điểm sẽ chẳng thể là lời giải cho cuộc sống gia đình”.

Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của vợ chồng nghệ sĩ này cũng chính là việc gìn giữ những nét đẹp ứng xử trong gia đình. Đó là sự hòa thuận, thủy chung, tình nghĩa, yêu thương, hy sinh cho con cái, tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ… Nhiều gia đình Việt Nam nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hóa đã tạo ra nền nếp gia phong lâu bền để nhiều thế hệ con cháu noi theo.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những giải pháp để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam.

Cũng chính vì thế, nhiều năm nay, chủ đề của công tác gia đình đều tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 nhiều năm trở lại đây vẫn lấy việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình làm chủ đề trọng tâm.

Theo bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VH,TT&DL, một trong những chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục. Quá trình xã hội hóa của trẻ bắt đầu từ môi trường gia đình. Cha mẹ chủ động dạy dỗ con cái học hỏi các kỹ năng xã hội và trẻ em cũng quan sát, bắt chước các hành vi của người lớn. Ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình là những người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Thực tế cho thấy, gia đình nào quan tâm, chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách thì trẻ em có xu hướng trở thành người có đạo đức, lối sống lành mạnh, đúng mực và ngược lại.

4 giá trị gia đình cần quan tâm

Guồng quay của xã hội hiện đại đã làm ảnh hưởng phần nào các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Không ít người làm cha, làm mẹ không tròn bổn phận, trách nhiệm; không chăm lo cho thế hệ tương lai, chỉ mải mê kiếm tiền và vun vén cho nhu cầu ích kỷ của bản thân. Do thiếu giáo dục nền tảng đạo đức, thiếu tính làm gương của cha mẹ, không ít con cái trong gia đình không nghĩ đến tình phụ mẫu mà làm nhiều việc trái với luân thường đạo lý.

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021, tại Hội thảo khoa quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và Giải pháp”, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chỉ ra 4 giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới đó là: an toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”.

Chỉ thị đặt ra các nhiệm vụ cụ thể về tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ.

Ngày 21/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 15-BTGTW về triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó, xác định rõ hoạt động của gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất trong các văn kiện Đại hội Đảng là “ấm no”, “tiến bộ”, “hạnh phúc”, “văn minh”, “bình đẳng giới”. Văn kiện Đại hội cũng nêu rất rõ những giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Với đặc điểm nổi bật là người dân Việt Nam coi trọng hôn nhân, coi trọng tầm quan trọng của gia đình trong cuộc sống thì việc xây dựng và vun đắp gia đình cũng chính là điểm nổi bật cho việc hoàn thiện con người, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, gia đình là nơi hoàn thiện con người, nơi con người nhận được những dạy dỗ, giáo dục đầu tiên và theo suốt cuộc đời” - PGS.TS Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh.

Đánh giá về văn hóa ứng xử trong gia đình Việt hiện nay, GS.TS Đặng Cảnh Khanh nêu quan điểm: “Văn hóa ứng xử trong gia đình đã bị nhiều người lãng quên, họ chỉ tập trung tới đáp ứng mọi nhu cầu vật chất mà không quan tâm đến suy nghĩ, đời sống tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình. Theo tôi, đã tới lúc cần phải quay trở lại để phục hồi những nét văn hóa ứng xử truyền thống đáng trân trọng như con cháu nhớ đến cội nguồn, biết ơn tổ tiên, gắn bó với gia tộc; con cái hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ có trách nhiệm với con cái; anh chị em có trách nhiệm với nhau… Đây là những giá trị quý báu cần được gìn giữ và phát huy. Chính cái gốc ấy đã giữ cho con người, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt, tạo nên “sức mạnh mềm” cho nền tảng văn hóa và hạnh phúc”.