Xây dựng Đề án Vị trí việc làm (Bài 4): Phải vì việc mà tìm người

(PLO) - “Muốn sắp xếp vị trí việc làm hiệu quả phải xác định rõ nhu cầu về lao động, hay nói cách khác chúng ta cần công việc gì để đảm bảo cho được mục tiêu “vì việc mà tìm người” chứ không thể để “người đi tìm việc”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng.

Đó là ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đặt ra yêu cầu đối với công tác bố trí, sắp xếp vị trí việc làm (VTVL) tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Nhưỡng, hiện nay chúng ta đang đi kèm với công tác cán bộ là tinh gọn bộ máy hành chính và vấn đề này đã được Quốc hội giám sát tối cao. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đi sâu vào nội dung kiểm toán những vấn đề có liên quan đến cán bộ và đã phát hiện có 57.000 vị trí viên chức bị thừa mà vẫn nhận ngân sách nhà nước. 

“Con số 57.000 vị trí này không chỉ là vấn đề tiền lương mà còn là vấn đề trang bị và các chính sách khác, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Như vậy, một năm ngân sách phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng cho những sơ hở, lỏng lẻo trong công tác cán bộ. Không chỉ vậy, vừa qua bộ máy của chúng ta cứ tách - nhập trong một thời gian dài mà cho đến nay khẳng định là chưa có hiệu quả” - ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Vẫn còn tình trạng “đẽo chân cho vừa giày”

Thưa ông, để thực hiện các Nghị quyết của TƯ về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương..., giải pháp có tính chất tiền đề là xây dựng Đề án VTVL, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Theo ông, việc làm này có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay và cần có những giải pháp gì để phát huy hiệu quả Đề án?

- Chính từ bất cập của hệ thống cán bộ hiện nay nên TƯ đã ban hành các Nghị quyết về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết 26 của Hội nghị TƯ 7 (khóa XII). Một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết này là phải sắp xếp lại các chức danh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. 

Vấn đề này chúng ta khẳng định là phải sắp xếp theo VTVL chứ không thể “bốc thuốc” đối với công tác cán bộ. Trước đây chúng ta làm theo kiểu áng chừng, một thời gian dài cứ để cho các cơ quan, đơn vị thích thì tuyển, không thích thì thôi, từ đó dẫn đến thực trạng: cùng một quy mô sở, ngành nhưng chỗ này 50 người, chỗ khác lại 40; chỗ này hệ thống tổ chức chức danh có 1 trưởng, 2 phó, nhưng chỗ khác là 3 - 4 phó, thậm chí 5 - 6 phó phòng..., vì thế mới dẫn đến câu chuyện của tỉnh Hải Dương, một sở có tới 44/46 người là lãnh đạo. Bây giờ, một trong những nhiệm vụ chính đã được Chính phủ triển khai là phải làm sao sắp xếp đội ngũ CB đảm bảo chuẩn cả về số lượng lẫn chuyên môn. 

Nhưng, muốn sắp xếp VTVL một cách có hiệu quả phải xác định rõ nhu cầu về lao động, hay nói cách khác chúng ta cần công việc gì? Công việc cần người chứ không thể để “người đi tìm việc”. Phải xác định rõ mỗi một khâu, một loại việc, mỗi một cơ quan, một giai đoạn chúng ta có những công việc gì và cần bao nhiêu người? Những người làm lãnh đạo cũng phải cần bao nhiêu, nhân viên bao nhiêu... tất cả phải xác định rõ. Thậm chí phải xác định rõ việc nào để trong cơ quan làm, việc nào đi thuê ngoài.

Theo Chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã triển khai vấn đề này, các địa phương cũng đã tiến hành. Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ thì việc xây dựng Đề án VTVL tại các địa phương chất lượng chưa cao. Ông cho rằng nguyên nhân là do đâu?

- Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, có thể do cách hiểu thiếu thống nhất; thứ hai là nhận thức của cấp ủy chính quyền địa phương các cấp chưa sâu sắc và vẫn còn tư duy nhiệm kỳ; thứ ba, vẫn có tình trạng tìm cách để “đẽo chân cho vừa giày”, rồi thì nể nang “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vấn đề nữa là tình trạng “chạy chọt”.

Đang trong đề án đã “chạy” và “chạy” ngay chính sách, người ta muốn làm chính sách là để giữ lại vị trí này, bỏ vị trí kia... Chính vì thế nên đã ảnh hưởng đến công việc của Bộ Nội vụ. Khi Bộ này nhận các đề án cũng rất khó, phê duyệt cũng khó, bởi phê duyệt là hợp thức hóa cho những câu chuyện của địa phương. Tất nhiên không loại trừ có những địa phương, bộ, ngành làm tốt và nghiêm túc, nhưng cũng có nhiều địa phương, bộ, ngành còn lúng túng và làm không tốt. 

Phải có chỉ đạo thống nhất và điều hành thường xuyên

Muốn bố trí đúng vị trí thì phải đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của mỗi CBCC. Nhưng thực tế tại nhiều cơ quan, đơn vị lại có tâm lý muốn tăng thêm hoặc giữ nguyên biên chế nên chưa mô tả và đánh giá đúng thực chất tính chất công việc của từng VTVL. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết tâm tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy mà Đảng ta đã đề ra. Ông suy nghĩ gì về thực trạng này?

- Quan điểm của người ta khi giữ số lượng CB là vấn đề chi thường xuyên và trang bị. Bởi kinh phí dựa trên đầu người, thậm chí từ trước tới nay chúng ta có câu chuyện thế này: vì tiết kiệm nên mặc dù anh được phân 100 biên chế nhưng chỉ tuyển 50-60 biên chế thôi và vẫn hoàn thành nhiệm vụ, vấn đề là cơ quan, đơn vị của anh vẫn lĩnh tiền của 100 biên chế. Tiết kiệm như thế tôi cho là không đúng mà thực ra là đang tìm cách “tham nhũng tập thể”. Từ tham nhũng về biên chế dẫn đến tham nhũng tiền bạc, nhưng có ai xử lý đâu mà vẫn cứ nói đó là thành tích, là tiết kiệm trong khi việc đó hoàn toàn sai.

Bây giờ phải nhìn nhận lại vấn đề. Vừa qua Bộ Nội vụ có định hướng chuyển Đề án VTVL về cho địa phương tự phê duyệt, tôi cho rằng là hợp lý, vì địa phương phải quyết định trong tổng thể CBCC của mình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó không chỉ quyết định vấn đề công việc mà còn cả vấn đề ngân sách.

Xây dựng vị trí việc làm để vì việc mà tìm người. Ảnh minh họa
Xây dựng vị trí việc làm để vì việc mà tìm người. Ảnh minh họa

Nhưng muốn làm được thì phải có các quy định hướng dẫn một cách đầy đủ, có chỉ đạo thống nhất và điều hành thường xuyên, nếu không sẽ vẫn dẫn đến tình trạng địa phương này một kiểu, địa phương kia một kiểu. Thậm chí cũng không loại trừ trường hợp tỉnh này “chạy” lên Bộ Nội vụ, tỉnh kia cũng “chạy” xin cái nọ, cái kia. 

Khi xác định được vị trí rõ ràng thì các địa phương sẽ phải làm và cấp ủy, những người lãnh đạo cao nhất ở địa phương đó phải được giao quyền và chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về công tác CB. Chúng ta nên bỏ khái niệm tập thể chung chung. Tâp thể chỉ ra chủ trương, còn quyết định là do người đứng đầu. Vì xét cho cùng khi đã có chủ trương thống nhất thì câu chuyện sắp xếp là câu chuyện của từng con người, nên nó phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian và trách nhiệm, nếu không sẽ lại níu kéo nhau. 

Theo Ban Tổ chức TƯ, hiện nay phần lớn các cơ quan, tổ chức chưa ban hành được quy trình thực hiện và chưa xác định được năng suất lao động bình quân của từng công việc. Bởi vậy, giả sử nếu bây giờ xác định biên chế của một tổ chức ít hơn số biên chế hiện có, với cách đánh giá CC như  hiện nay thì sẽ khó chỉ ra được những CC không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hạn chế năng lực để buộc họ chấp nhận thôi việc theo quy định. Theo ông, phải khắc phục tình trạng này thế nào?

- Tôi cho rằng bây giờ không có chuyện “Cầm vàng thì sợ vàng rơi/tay cầm biên chế đời đời ấm no”. Đối với một số vị trí về chuyên môn mà không phải chuyên môn bình thường thì chúng ta chuyển sang chế độ ký hợp đồng lao động. Nếu không làm được việc thì sa thải; sắp tới chúng ta nên cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyền sa thải và quyền thôi việc rộng rãi hơn. Vấn đề ở đây không phải trao quyền cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị “làm bậy” mà sẽ được cấp trên  kiểm soát.

Điều đó bắt buộc người có trách nhiệm phải tuyển người làm được việc, phải có trách nhiệm với năng suất, chất lượng lao động của CBVC, nếu không chính người đó cũng sẽ bị cấp trên sa thải. Cấp trên cũng sẽ đếm việc và “chấm điểm” của người được giao trách nhiệm phụ trách cơ quan, đơn vị - giả sử với tư cách giám đốc sở thì làm được việc gì. Như vậy ta sẽ “chấm điểm” trong toàn bộ hệ thống, khắc phục được tình trạng “cầm quyết định là yên tâm lĩnh lương”.

Ngoài ra, trong cơ quan, đơn vị nên có hình thức bỏ phiếu ngẫu nhiên mà không cần tổ chức cuộc họp để từ đó phát hiện ra những trường hợp nào không cần thiết ngồi ở đấy. Việc đánh giá này giúp các CBCC luôn luôn có tư tưởng phấn đấu, đồng thời cũng cảnh báo cho anh biết trước là anh đang rơi vào “điểm đỏ”. Vì việc này, CC sẽ “chạy như vịt”, nhưng cũng không thể “chạy” bằng tiền được mà buộc phải “đạp xe”, bởi anh không thể “chạy” được tất cả.

Lý do là người đánh giá cũng luôn nghĩ đến bản thân họ, không bao giờ họ gạch tên mình nhưng người ta cũng không thể tránh việc bị người khác gạch nếu họ làm việc không tốt - khi đó thủ trưởng cũng không đỡ được. Như vậy có thể thấy, nếu chúng ta tổ chức theo kiểu ký kết các hợp đồng và cho người lao động tự đánh giá nhau thì mới có kết quả, còn tình trạng như hiện nay là cuối năm bình bầu thì không ăn thua. 

Nhưng đi kèm với đó là chế độ chính sách phù hợp, anh đòi hỏi người tài thì cũng phải đảm bảo chế độ chính sách tương xứng, nếu chỉ sử dụng một biện pháp thì chưa đủ.

Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm