“Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”

(PLO) - Những năm gần đây, công tác thi hành án dân sự trong Quân đội có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 – 19/7/2016), Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Ngọc Trai, Cục trưởng Cục Thi hành án, Bộ Quốc phòng.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Trai.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Trai.

Thưa Cục trưởng, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của thi hành án dân sự (THADS) Quân đội trong sự phát triển của toàn hệ thống THADS nói chung?

- Công tác THADS trong Quân đội cũng thuộc lĩnh vực THADS toàn quốc, được tổ chức ở Bộ Quốc phòng có Cục Thi hành án là cơ quan quản lý thi hành án; ở quân khu và tương đương có Phòng Thi hành án là cơ quan thi hành án. Từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong và ngoài Quân đội; ngành THADS Quân đội luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng, góp phần quan trọng trong hoạt động và phát triển của toàn hệ thống THADS và xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. 

Thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tích cực, chủ động nghiên cứu, thực hiện tốt công tác tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về THADS trong Quân đội. Phối hợp với Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp trình Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện quản lý nhà nước về THADS trong Quân đội; ban hành văn bản theo thẩm quyền để quản lý chuyên ngành. 

 Thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính và cải cách tư pháp về thi hành án; đã xây dựng Đề án “Mô hình tổ chức biên chế Ngành THADS trong Quân đội đến năm 2020”. Xây dựng kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn và hàng năm để triển khai thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ và Bộ Quốc phòng; nghiên cứu, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin.  

Thường xuyên chủ động, tích cực đề xuất với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu; Tư lệnh Quân khu, Quân chủng Hải quân giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp và những vụ việc tồn đọng thuộc diện không có điều kiện thi hành; bảo đảm các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực được ra quyết định và tổ chức thi hành đúng pháp luật, kết quả thi hành án hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao, không có cán bộ, nhân viên vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.

Toàn Ngành đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên cả về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 100% cán bộ đạt trình độ đại học trở lên; yêu ngành, yêu nghề, luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác được bảo đảm.

Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của toàn hệ thống THADS, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và góp phần giữ nghiêm kỷ luật, pháp luật Nhà nước, nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của Quân đội trong mọi tình huống. Toàn Ngành đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 03 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng hai, hạng ba, 06 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng do tính chất đặc thù trong Quân đội, hẳn còn những khó khăn?

- Một số vụ việc với số tiền phải thi hành lớn, đương sự đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản để thi hành; địa bàn thi hành án rộng trong phạm vi cả nước; đội ngũ cán bộ, chấp hành viên, thẩm tra viên ít, có nơi còn thiếu.

Thời gian tới, Thi hành án Quân đội tập trung những nhiệm vụ gì? Nhân Ngày truyền thống của toàn hệ thống, ông có điều gì chia sẻ?

Từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, để góp phần nhiều hơn nữa trong sự phát triển của hệ thống THADS toàn quốc và xây dựng Quân đội; ngành THADS Quân đội đã, đang triển khai và tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 48, 49 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 67 của Quân ủy Trung ương về việc lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về THADS trong Quân đội; tập trung phối hợp xây dựng và xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật của Nhà nước và Bộ Quốc phòng tạo hành lang pháp lý hoạt động THADS trong Quân đội đạt hiệu quả, thiết thực. Với tinh thần thi đua “Tích cực, đổi mới, chính xác, an toàn, hiệu quả”, toàn Ngành bảo đảm tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật, nhất là những việc tồn đọng có số tiền phải thi hành lớn, có yếu tố nước ngoài; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được giao. 

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, đủ số lượng, có chất lượng chuyên môn vững vàng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tiếp tục đề xuất đổi mới chế độ phụ cấp, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên ngành Thi hành án dân sự và bảo đảm nhu cầu vật chất theo tinh thần cải cách tư pháp.

THADS là giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân. Để công tác THADS đạt hiệu quả và phát triển, song song với quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế; theo tôi, vấn đề chiến lược quyết định ở các cấp trong toàn hệ thống cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, năng lực giỏi về chuyên môn, nắm vững pháp luật đáp ứng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Đọc thêm