Cửu đỉnh là 9 đỉnh bằng đồng được khởi công chế tác vào cuối năm 1835 dưới thời Vua Minh Mạng. Trải qua gần 200 năm tồn tại, Cửu đỉnh vẫn tồn tại nguyên vẹn, là bản nguyên gốc và duy nhất, chưa từng được sửa chữa. Với những giá trị đặc sắc, Cửu đỉnh được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.
Cửu đỉnh được xem như một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về sự đa dạng sinh học. Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên Cửu đỉnh, có tới 90 hình ảnh về các loài động, thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết này đều thể hiện một cách sống động các loài động, thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài. Hình ảnh sông núi, lãnh hải của Việt Nam được chạm khắc nổi trên bộ Cửu đỉnh triều Nguyễn. Điển hình như Tuyên đỉnh có sông Hồng, Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương; Cao đỉnh có hổ trên rừng, Nhân đỉnh có cá voi dưới biển…
Hình ảnh biển đảo của nước ta được chạm khắc rõ ràng trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn. Trong 9 đỉnh, có 3 đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất có khắc biển đảo nước Việt, gồm: Biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh. Cùng với hàng loạt tài liệu Hán Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.