Xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh “Y thánh của Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhằm tri ân cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh đang chủ trương xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Đại danh y.
Tượng đài đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Tượng đài đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Một trong tứ trụ danh nhân văn hóa

Đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông sinh ra trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn). Đây cũng là giai đoạn ông có duyên nghiệp với nghề y, hành nghề bốc thuốc và trở thành Đại danh Y của nước ta.

Nhà nghiên cứu văn hóa Việt cổ Lê Hữu Khánh, quyền Trưởng tộc dòng họ Lê Hữu gốc Liêu Xá cho biết, theo gia phả, có ghi chép rằng nếu tính từ đời thứ nhất, cụ Thủy tổ Lê Phúc Tiên thì đến nay dòng họ Lê Liêu Xá đã phát triển đến đời thứ 22.

Về đời thứ 9, trong gia phả và trên văn bia có ghi cụ Lê Hữu Mưu, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Canh Dần (1710), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6, có một trong ba vợ là cụ bà Bùi Thị Thưởng, quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Trong số anh chị em cùng mẹ do cụ Thưởng sinh ra có cụ Lê Hữu Tán (anh) và cụ Lê Hữu Trác (em). Gia phả lại ghi rất rõ rằng cụ Tán sinh vào giờ Tý ngày 14 tháng 2 năm Canh Tý (1720) và cụ Trác sinh vào giờ Dần ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724).

Lúc nhỏ Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở đất Kinh kỳ Thăng Long. Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ và đã thi đậu vào Tam trường. Năm 19 tuổi, cha mất nên ông phải thôi học về nhà chịu tang, ít lâu sau ông lại xung vào quân ngũ và theo nghiệp kiếm cung. Nhưng rồi nhận thấy đây là công việc không hợp với ý mình nên chỉ vài năm sau, nghe tin người anh cả mất, Lê Hữu Trác xin ra khỏi quân ngũ, lấy cớ về thay anh nuôi mẹ già 70 tuổi và mấy cháu mồ côi ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng trong vòng 2-3 năm liền, chữa trị khắp nơi không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt Nam. Sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở miền Rú Thành, thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Độc.

Trong hơn một năm chữa bệnh, khi rảnh rỗi ông thường đọc "Phùng thị cẩm nang" và hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người, giúp đời, nên ông quyết chí học thuốc.

Di sản đồ sộ

Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu "Hải Thượng Lãn Ông". Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. "Lãn Ông" nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó.

Mùa thu năm Bính Tý (1756), Lê Hữu Trác ra kinh đô mong tìm thầy để học thêm vì ông thấy y lý mênh mông nhưng không gặp được thầy giỏi, ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn "từ khước sự giao du, đóng cửa để đọc sách" (Tựa "Tâm lĩnh"), vừa học tập và chữa bệnh. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu.

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong tứ trụ danh nhân văn hóa (Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp và Nguyễn Công Trứ) không chỉ của xứ Nghệ mà còn là của cả nước trong giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX. Cuộc đời, sự nghiệp y học và sự nghiệp trước tác của ông đã để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ mang tầm quốc tế như: “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam".

Năm 2024 tới là sẽ tròn 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024). Nhằm tri ân những công lao, đóng góp, cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Đại danh y.

Để việc vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thành công, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm, ủng hộ chủ trương; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện. Hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở VH-TT&DL chủ trì, kết nối chương trình, nội dung làm việc giữa bộ, tỉnh và các cơ quan liên quan trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vinh danh Đại danh y.

Đọc thêm