Xây dựng hướng dẫn thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài: Dự thảo Nghị quyết đang vênh Bộ luật Tố tụng Dân sự

(PLVN) - Nhiều quy định tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài tại tòa án cấp sơ thẩm được chỉ ra là không phù hợp với BLTTDS.
Ảnh minh họa

Căn cứ địa điểm ra phán quyết hay “quốc tịch” của Hội đồng trọng tài?

Về phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nêu tại Điều 2 Dự thảo, điểm a khoản 1 Điều 424 BLTTDS quy định, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam khi “Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và CHXHCN Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài”. 

Khoản 3 Điều 424 BLTTDS quy định, trọng tài nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài “được xác định theo quy định của Luật trọng tài thương mại của Việt Nam”.

Để hướng dẫn thi hành quy định trên, điểm c khoản 1 Điều 2 Dự thảo quy định một trong những điều kiện để phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là “Địa điểm Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ của Việt Nam và trên lãnh thổ của một trong các nước thành viên Công ước New York của Liên Hợp quốc năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài”. Theo quy định này thì phán quyết của trọng tài nước ngoài phụ thuộc vào địa điểm Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp.

Quy định này dường như chưa phù hợp với quy định tại Luật Trọng tài thương mại về phán quyết của trọng tài nước ngoài. Bởi vì, theo quy định tại khoản 11, 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại “trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam”, “Phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn”. Như vậy, phán quyết của trọng tài nước ngoài không phụ thuộc vào địa điểm của Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà phụ thuộc vào việc tổ chức trọng tài là trong nước hay nước ngoài ban hành phán quyết đó.

Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất của quy định, trong văn bản gửi tới Tòa án nhân dân tối cao góp ý về dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Dự thảo hoặc điều chỉnh quy định này để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại về phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Nộp hồ sơ: ở Tòa án hay Bộ Tư pháp?

Điều 7 dự thảo quy định về hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Theo đó, khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam không phân biệt hồ sơ đó được gửi thông qua Bộ Tư pháp theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định này, trong mọi trường hợp người yêu cầu phải gửi hồ sơ tới Tòa án.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 451 BLTTDS thì phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định hay không/không có điều ước quốc tế liên quan để xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của người yêu cầu (Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan).

Như vậy, quy định tại Dự thảo là chưa phù hợp với quy định tại Điều 451 BLTTDS, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 Điều 7.

Đọc thêm