Xây dựng khung pháp lý để không lãng phí nguồn lực người cao tuổi

(PLVN) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đưa ra những chính sách riêng cho người lao động cao tuổi. Đây là lần đầu tiên già hóa dân số được đề cập như một yếu tố có tác động trực tiếp đến chính sách việc làm trong hệ thống pháp luật về lao động.
Một tỷ lệ đáng kể NCT cảm thấy họ có sức khỏe đủ tốt để tham gia các hoạt động hàng ngày, bao gồm cả lao động. (Nguồn: Công đoàn)

Thiếu lao động nhưng “chê” người cao tuổi

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già và “siêu già” vào năm 2049. Tuy nhiên, thị trường lao động hiện nay gần như vẫn “chê” người cao tuổi (NCT) và xem họ như “đã hết vai trò”.

Trong khi đó, theo báo cáo "Người cao tuổi Việt Nam: Phân tích từ Điều tra Biến động Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình năm 2021" do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổng cục Thống kê thực hiện, khoảng 38% NCT tự đánh giá sức khỏe của mình ở mức "tốt" hoặc "rất tốt", 46% đánh giá ở mức "bình thường", và 16% đánh giá ở mức "kém" hoặc "rất kém". Điều này cho thấy một tỷ lệ đáng kể NCT cảm thấy họ có sức khỏe đủ tốt để tham gia các hoạt động hàng ngày, bao gồm cả lao động. Bản thân họ cũng mong muốn được làm việc để đóng góp cho xã hội và mang lại thu nhập cũng như cuộc sống vui khỏe cho bản thân. Tuy nhiên, cả quan niệm xã hội lẫn các quy định pháp lý hiện hành đều lại chưa khuyến khích họ tiếp tục tham gia thị trường lao động một cách chính thức.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, NCT là công dân nam từ đủ 60 tuổi trở lên và nữ từ đủ 55 tuổi trở lên. Trong thực tế hiện nay, ở độ tuổi đó, nhiều người vẫn tiếp tục muốn làm việc, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và lao động phi chính thức. Các nhóm lao động này thường làm những công việc không đòi hỏi thể lực cao nhưng vẫn mang lại thu nhập ổn định như: sửa chữa, làm nghề thủ công, kinh doanh nhỏ, dịch vụ gia đình hay sản xuất nông nghiệp quy mô hộ.

Tuy vậy, nhiều rào cản vẫn tồn tại. Mặc dù Bộ luật Lao động hiện hành quy định người lao động cao tuổi có thể tiếp tục làm việc nếu có nhu cầu và sức khỏe phù hợp. Tuy nhiên, quy định này chỉ dừng ở mức cho phép, không kèm theo cơ chế hỗ trợ cụ thể. Việc ký hợp đồng, hưởng bảo hiểm, tham gia đào tạo… đều thiếu hướng dẫn và chế độ phù hợp với đặc thù nhóm tuổi này. Vì thế, NCT thường bị gạt khỏi các chương trình đào tạo nghề vì bị xem là “không còn thích hợp để đầu tư dài hạn”. Họ cũng khó tiếp cận các khoản vay, đặc biệt là từ nguồn tín dụng chính sách, do vướng điều kiện bảo đảm tài sản hoặc hồ sơ phức tạp. Việc thiếu chứng chỉ kỹ năng nghề - dù nhiều người có tay nghề vững - khiến họ gặp bất lợi khi chuyển đổi nghề hoặc tìm việc trong các khu vực sản xuất chính thức.

Về phần mình, các doanh nghiệp cũng e ngại sử dụng NCT vì lo ngại rủi ro sức khỏe, chi phí bảo hiểm tăng. Đơn cử như NCT tiếp tục làm việc có thể gặp rắc rối với các quy định về BHXH, BHYT, ví dụ như vấn đề người đã lĩnh lương hưu có được ký hợp đồng chính thức hay không; nếu tai nạn lao động xảy ra, chế độ bảo hiểm xử lý thế nào… Trong khi đó, Nhà nước chưa có bất kỳ cơ chế ưu đãi thuế hay hỗ trợ nào khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng nhóm lao động này.

Sửa luật để không lãng phí “nguồn nhân lực bạc”

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tại Nhật Bản, Chính phủ hỗ trợ thành lập các trung tâm việc làm cho NCT nơi họ có thể làm các công việc bán thời gian như hướng dẫn du lịch, làm vườn, dạy học… Tại Hàn Quốc, NCT được hỗ trợ tài chính khi làm việc bán thời gian, Nhà nước chi trả một phần lương. Hệ thống đào tạo cũng mở các lớp kỹ năng cho người già. Chính phủ Singapore hỗ trợ doanh nghiệp trả lương và đào tạo NCT, đồng thời có chính sách thuế ưu đãi rõ ràng…

Tại Việt Nam cũng có một vài mô hình thí điểm mô hình đào tạo nghề và kết nối việc làm cho NCT. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng chỉ là bước khởi đầu vì còn rất nhiều rào cản từ quan niệm xã hội và khoảng trống trong chính sách hiện hành. Trước thực tế này, đã và đang có nhiều đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp để sử dụng nguồn lực NCT, có thể là một đạo luật riêng hoặc chương riêng trong Bộ luật Lao động xoay quanh các vấn đề như: quyền, nghĩa vụ, chế độ, chính sách của người lao động cao tuổi; hợp đồng đặc thù cho NCT; doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì khi sử dụng lao động là NCT… Bên cạnh đó là các khuyến nghị về việc Nhà nước cần có hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nếu sử dụng trên 10% lao động là NCT; hỗ trợ chi phí bảo hiểm tai nạn lao động, khám sức khỏe định kỳ; thiết kế chương trình đào tạo riêng về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh nhỏ, kỹ năng xã hội, do các trường nghề phối hợp Hội NCT tổ chức; đồng bộ hóa chính sách BHXH, BHYT, lao động để NCT làm việc được bảo vệ như các nhóm lao động khác nhưng theo chế độ phù hợp vừa hưởng lương hưu, vừa có thể ký hợp đồng thời vụ, vừa được hưởng BHYT mà không bị xung đột quyền lợi…

Hiện nay, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần đầu tiên nêu những chính sách riêng cho người lao động cao tuổi, gắn với bối cảnh già hóa dân số nhanh tại Việt Nam. Cụ thể, theo Điều 14 của dự thảo Luật, người lao động là NCT sẽ được hỗ trợ theo ba hướng chính. Thứ nhất, NCT có thể tiếp cận vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc hiện có từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Thứ hai, NCT cũng có thể được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng nghề nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia thị trường lao động. Thứ ba, NCT được tạo điều kiện để tham gia các kỳ đánh giá và được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, nhằm công nhận chính thức tay nghề của họ - yếu tố cần thiết trong quá trình xin việc hoặc chuyển đổi nghề. Đáng chú ý, điều luật này còn đưa ra định hướng lâu dài hơn khi nhấn mạnh Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề cho NCT trong bối cảnh già hóa dân số, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách… So với Luật Việc làm hiện hành, nội dung này là một bước tiến rõ rệt để giúp gỡ những khó khăn khi các cơ quan, ban, ngành, địa phương không có cơ sở pháp lý để thiết kế các chương trình hỗ trợ riêng cho nhóm lao động cao tuổi.

Có thể nói, việc xây dựng một hệ thống chính sách rõ ràng, đồng bộ là chiến lược thông minh trong bối cảnh thiếu hụt lao động và áp lực già hóa ngày càng rõ nét. Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, nếu được thông qua với những nội dung như đã nêu, có thể là bước khởi đầu quan trọng để xóa bỏ quan niệm lâu nay về NCT trao cho họ thêm công cụ để làm việc, kiếm sống và sống có ích.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Giang Thanh Long, chuyên gia về già hóa dân số, nguồn nhân lực, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm: “Nếu Luật Việc làm khuyến khích NCT tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu, thì các luật liên quan, như Luật Bảo hiểm xã hội, cũng cần thống nhất về quyền lợi… Nếu các luật không ăn khớp với nhau thì thực thi sẽ gặp vướng mắc. Vì vậy, tôi cho rằng, điều đầu tiên cần làm là rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến NCT, để bảo đảm sự đồng bộ và khả thi”.

Đọc thêm