Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại

(PLVN) - Nền ngoại giao toàn diện chỉ có thể đạt được hiệu quả thiết thực khi được thống nhất chỉ đạo và triển khai thực hiện, khi hiện hữu trong những chiến lược và đường lối, chính sách nhất quán, khi được cụ thể hoá thành chương trình và kế hoạch hoạt động đối ngoại cho từng thời kỳ và cho lâu dài cũng như khi luôn có sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa tất cả các bên tham gia hoạt động đối ngoại.
Đại sứ Trần Đức Mậu phát biểu tại một tọa đàm do Báo PLVN  tổ chức mới đây.
Đại sứ Trần Đức Mậu phát biểu tại một tọa đàm do Báo PLVN tổ chức mới đây.

Ba trụ cột 

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TƯ Khoá 12 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã nêu rõ một trong những bài học thành công của đất nước ta là bảo đảm hài hoà giữa độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra là đối ngoại trong thời gian tới phải xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. 

Cách hiểu đơn giản chung nhất về khái niệm “ngoại giao toàn diện” là định tính hoá những tiêu chí và nội hàm của nền ngoại giao ấy cùng nhau làm nên tính toàn diện của nền ngoại giao. Trước hết đấy là tính toàn diện trong sứ mệnh lịch sử của nó, tức là toàn diện ở mục tiêu và nhiệm vụ. Dựng nước và giữ nước là sứ mệnh truyền đời của dân tộc ta.

Nền ngoại giao toàn diện phải đồng thời phục vụ cho hai sự nghiệp ấy của dân tộc, góp phần dựng nước để giữ nước và tham gia giữ nước để dựng nước. Vấn đề đặt ra ở đây không phải ngành nào đi đầu hay quan trọng hơn mà là ngành nào cũng đều phải làm tất cả những gì có thể làm được trong công cuộc nói trên.

Tiếp đến là tính toàn diện về lĩnh vực và hình thức hoạt động ngoại giao. Các lĩnh vực hoạt động ngoại giao đan xen và kết nối với nhau tạo thành thể thống nhất. Các hình thức ngoại giao bổ sung cho nhau và tương tác lẫn nhau đưa lại hiệu ứng cộng hưởng.

Ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng, nhân dân đều là những thành tố hữu cơ của nền ngoại giao toàn diện. Giữa các thành tố này không có sự cào bằng hay đổ đồng mà có mối quan hệ tương tác biện chứng.

Tiếp đến là tính toàn diện trong đội ngũ những người làm công tác đối ngoại và phạm vi địa lý của hoạt động đối ngoại. Trong nền ngoại giao toàn diện, khái niệm “nhà ngoại giao”  và “ngoại giao chuyên nghiệp” phải được hiểu và tiếp cận không xơ cứng và giáo điều. Người dân nào cũng có thể và cũng phải là nhà ngoại giao và sứ giả ngoại giao.

Hoạt động đối ngoại diễn ra liên tục ở khắp mọi nơi trên đất nước. Trong nền ngoại giao toàn diện, mỗi cá thể, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan công quyền hay mỗi ngành và mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương và mỗi vùng miền đều có thể và phải đảm trách thực thi những hoạt động đối ngoại khác nhau để cùng phục vụ cho lợi ích quốc gia - dân tộc.

Thế nào là nền ngoại giao hiện đại?

Nền ngoại giao toàn diện là điểm xuất phát của nền ngoại giao hiện đại, hay nói theo cách khác, nền ngoại giao hiện đại trước hết phải là nền ngoại giao toàn diện.

Nền ngoại giao hiện đại trước hết là nền ngoại giao thích hợp nhất và hiệu quả nhất đối với quốc gia trong việc bảo vệ và thực hiện những lợi ích quốc gia - dân tộc trong thế giới hiện đại. 

Trên thế giới không có mô hình thống nhất cho nền ngoại giao hiện đại mà từng quốc gia phải xây dựng cho riêng mình nền ngoại giao ấy. Nền ngoại giao hiện đại phải luôn gắn kết đất nước với thế giới hiện đại, tức là phải xử lý vấn đề trọng tâm và cốt lõi là mối quan hệ giữa đất nước và thế giới hiện đại để từ đấy định vị đất nước trong thế giới hiện đại sao cho luôn được yên ổn và an bình nhất khi thế giới biến động và thời cuộc xoay vần, sao cho luôn có lợi nhất giữa mọi biến dạng của các mối quan hệ quốc tế và thay đổi đường lối, chính sách của các đối tác, sao cho không bị hoặc giảm thiểu tối đa mức độ bị ảnh hưởng tiêu cực và vạ lây bởi xung khắc cũng như hợp tác, cọ xát cũng như song trùng lợi ích chiến lược giữa các đối tác bên ngoài. 

Nền ngoại giao hiện đại càng phải tỉnh táo và bản lĩnh, chủ động và sáng tạo, nhạy bén và cầu thị, kiên định nguyên tắc và kiên trì mục tiêu,  kịp thời xác định đúng những cái giá để đòi và trả vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Nền ngoại giao hiện đại phải đi đầu trong việc ngăn ngừa từ sớm nhất những hiểm nguy và rủi ro, những mối đe doạ và bất lợi đối với an ninh, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nền ngoại giao hiện đại cũng còn phải đi đầu trong việc tranh thủ mọi nguồn ngoại lực từ thế giới hiện đại phục vụ cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ở đây đặc biệt quan trọng là việc gây dựng, duy trì và củng cố môi trường quốc tế hoà bình ổn định và thuận lợi nhất cho đất nước ta về chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại…; nền ngoại giao quốc gia hài hoà vào dòng chảy của ngoại giao quốc tế trong thế giới hiện đại, tức là không xung khắc với những xu hướng diễn biến cơ bản của ngoại giao quốc tế, nhờ đó có thể vừa tận lợi được tối đa từ ngoại giao quốc tế lại vừa có thể đóng góp đắc dụng cho ngoại giao quốc tế…

Con người vẫn là nhân tố quyết định nhất trong nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Nền ngoại giao toàn diện và hiện đại đặt ra những yêu cầu đòi hỏi rất cao đối với con người tham gia hoạt động đối ngoại.

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đòi hỏi trước hết phải có cách hiểu và tiếp cận thống nhất về khái niệm, phải định tính hoá và định lượng hoá được những nội hàm và tiêu chí đặc thù của nền ngoại giao toàn diện và hiện đại, phải xây dựng được đội ngũ nhân lực có đủ khả năng vận hành thành công nền ngoại giao toàn diện và hiện đại ở mọi cấp độ chuyên môn đối ngoại và ở mọi nơi trên đất nước.

Từ mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc và từ đường lối, chính sách và nhiệm vụ đối ngoại thể hiện trong Dự thảo Báo cáo, cần phải cụ thể hoá mục tiêu và nhiệm vụ đối ngoại cho từng giai đoạn thời gian và cho từng diện lực lượng tham gia hoạt động đối ngoại để có phương cách và lộ trình triển khai thực hiện cụ thể thông qua sử dụng những lợi thế và tiềm năng của nền ngoại giao toàn diện và hiện đại của đất nước.

Đọc thêm