Đối ngoại phải “nhận sớm và nhìn xa”
Định hướng đường lối đối ngoại cho thời gian tới được chỉ rõ trong dự thảo là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Để thực hiện thành công định hướng đường lối đối ngoại nói trên, đối ngoại cần phải có cách tiếp cận mới trong nhận thức và hành động. Mới ở đây không chỉ đơn thuần có khác trước mà còn phải đáp ứng những tiêu chí xác thực hơn và cao hơn về tính thực tiễn, tính khả thi và tính hiệu quả.
Về nhận thức, yêu cầu đòi hỏi trước hết là đánh giá và dự báo đúng về môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại của đất nước ta trong thời gian tới, ngắn hạn thì hàng năm, trung hạn thì năm, mười năm và dài hạn thì một vài thập kỷ.
Đất nước ta đã đạt được rất nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội với ý nghĩa và tác động vô cùng quan trọng. Thế và lực của đất nước ta chưa khi nào được vững mạnh như hiện tại. Cũng chưa bao giờ đất nước ta có vị thế quốc tế cao như hiện tại. Nhưng thế giới và khu vực xung quanh chúng ta luôn biến động đầy bất ngờ và vẫn tiềm ẩn không ít bất lợi, thách thức với đất nước ta.
Đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Đối ngoại có tiềm lực thực tế và tiền đề thuận lợi để đóng góp nhiều hơn và thiết thực hơn, phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta.
Nhưng đồng thời cũng phải nhận thức rằng nhiệm vụ đối ngoại vì thế to lớn và nặng nề hơn. Mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước đặt ra yêu cầu đòi hỏi riêng cho đối ngoại mà sứ mệnh lịch sử của đối ngoại là phải đáp ứng chúng một cách tốt nhất và nhanh chóng nhất.
“Thẩm thời độ thế” chuẩn xác và đầy đủ để thấy môi trường chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại của đất nước ta trong những năm tháng tới bao hàm thuận lợi nhưng phức tạp hơn, có thể biến động nhanh chóng hơn và dễ gây ra rủi ro mới đối với đất nước ta.
Ở tất cả các đối tác quan trọng của đất nước ta đều có thể song hành giữa tiếp tục tiền đề và điều kiện thuận lợi với rủi ro và nguy cơ mới. Ở phương diện các vấn đề thế giới, châu lục và khu vực cũng như cục diện quan hệ quốc tế nói chung cũng như vậy.
Vì thế, đối ngoại phải “nhận sớm và nhìn xa”, phải chủ động can dự chứ không thụ động ứng phó và để không bị buộc phải bị động ứng phó. Nhận sớm là nhận diện sớm như có thể được cơ hội và thách thức, diễn biến và đột biến, thay đổi và tiệm tiến.
Nhìn xa là luôn kiên định mục tiêu lâu dài, duy trì thể thống nhất giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài cũng như kết hợp vừa thực hiện mục tiêu trước mắt vừa dùng việc thực hiện mục tiêu trước mắt phục vụ cho mục tiêu lâu dài. Vì thế, đối ngoại càng cần phải bản lĩnh và sáng tạo, gây dựng động lực và đột phá mới, phát huy vai trò riêng và kiến tạo hiệu ứng cộng hưởng giữa các đường lối chính sách đối ngoại và đối nội của đất nước.
Đối ngoại phải đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng
Một nét khác nữa của cách tiếp cận mới về nhận thức là đối ngoại ở thời bình còn bao hàm những nguyên tắc và tiêu chí khác, hình thức và cả mục tiêu riêng khác. Cách tiếp cận ở đây là nhận thức ở thời hiện tại, sứ mệnh trên hết của đối ngoại là đi tiên phong trong việc tạo dựng môi trường và tiền đề chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại thuận lợi nhất, ổn định nhất và có lợi nhất cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Đối ngoại phải mở đường dọn lối cho đất nước yên ổn đi qua mọi phong ba bão táp của thời cuộc, của những khó khăn và thách thức cội rễ từ diễn biến của các mối quan hệ song phương cũng như đa phương và của tiến trình hội nhập quốc tế.
Trên phương diện hành động, giải pháp cụ thể để thực hiện thành công đường lối đối ngoại như đã xác định trong dự thảo Báo cáo trước hết là cụ thể hoá định hướng đường lối chính sách đối ngoại chung ấy thành chương trình hoạt động đối ngoại cho từng giai đoạn thời gian nhất định, cho từng năm và đồng thời cho nhiều năm.
Từ cụ thể hoá mục tiêu cần phải đạt được và nhiệm vụ cần phải hoàn thành thì mới có thể đề xuất được những giải pháp triển khai thực hiện cụ thể, xây dựng được lộ trình và hài hoà hoá các biện pháp chính sách thành một thể thống nhất.
Cũng phải như thế thì mới có thể thẩm định và đánh giá được chính xác nhất và kịp thời nhất mức độ thành quả đạt được và hiệu ứng thiết thực của thành quả đạt được. Chỉ khi cụ thể hoá như thế thì mới có thể định tính hoá và định lượng hoá được chính xác và đầy đủ nhất thành quả đối ngoại đạt được.
Việc cụ thể hoá mục tiêu và nhiệm vụ đối ngoại này đặt ra cho tất cả các ngành và địa phương, cơ quan và tổ chức tham gia hoạt động đối ngoại. Những ngành và địa phương cũng như những cơ quan và tổ chức phải xác định cho họ mục tiêu và nhiệm vụ đối ngoại riêng cho từng thời kỳ nhất định và cho lâu dài.
Nhưng hoạt động đối ngoại phải được đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất và quản lý chung của Đảng và Nhà nước, bởi chỉ như thế mới có thể phát huy được triệt để các hoạt động đối ngoại riêng và tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng trong đối ngoại chung của cả đất nước.
Chỉ như thế thì đối ngoại Đảng, đối ngoại nhà nước và đối ngoại nhân dân mới có thể tạo thành thực thể thống nhất. Chỉ như thế bốn sự đảm bảo cho an ninh và phát triển, cho hiện tại và tương lai của đất nước ta là quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm cả kinh tế đối ngoại) mới có thể thực sự phục vụ lẫn nhau và trợ giúp cho nhau, bổ sung cho nhau và hợp tác với nhau.
Giải pháp cụ thể để thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là xác định chính sách và chương trình hợp tác đối với từng đối tác cụ thể và trong từng vấn đề đối ngoại cụ thể. Cần phải có chính sách nào cho đối tác nào và có thể tận lợi được gì từ tiềm năng của từng đối tác cũng như phải xử lý các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như đa phương như thế nào để có thể khai thác và tận dụng được tiềm năng của từng đối tác là những câu hỏi mà đối ngoại phải tìm kiếm câu trả lời thích hợp và thoả đáng.
Nói ra điều này thật đơn giản, nhưng làm việc ấy không mấy dễ dàng bởi lại cần phải thẩm thời độ thế chuẩn xác, đầy đủ và kịp thời. Đối ngoại cần phải hiểu đối tác và thời cuộc, phải đánh giá đúng diễn biến và dự báo được tương lai. Quan hệ quốc tế chỉ bền chặt và ổn định khi cùng có lợi cho các bên liên quan. Quan hệ quốc tế chỉ tin cậy khi lợi ích chính đáng của từng bên được tất cả các bên tôn trọng và lưu ý thoả đáng.
Và điều quan trọng nữa là đối ngoại ngày nay được tiếp cận, hiểu và triển khai thực hiện trong nghĩa rộng, cụ thể chứ không trừu tượng và là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức chứ không phải của riêng ai.