Nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch
Theo Đề án Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Bạc Liêu sẽ chú trọng những công tác như: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong toàn thành phố về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch; Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phải đổi mới tư duy với nhận thức “Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân đồng hành phát triển du lịch”,… phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững; không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Thành phố Bạc Liêu.
Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu, đây cũng chính là tiềm năng đã và đang được phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng đất Bạc Liêu. |
Bà Lê Kim Thuý - Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết: “Thành phố Bạc Liêu sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực trở thành các sản phẩm du lịch, như: Lễ hội Dạ cổ hoài lang, lễ hội Quán âm Nam Hải và các lễ hội tiêu biểu khác nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí để quảng bá, thu hút khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục củng cố và thành lập mới các câu lạc bộ đờn ca tài tử tại các khu, điểm du lịch để phục vụ du khách. Phát triển mạnh các loại hình nghệ thuật dân tộc như nói thơ Bạc Liêu, hát Dù - kê, múa Rô - Văm,... phục vụ nhu cầu thưởng thức của du lịch; khuyến khích các nghệ nhân đờn ca tài tử tiếp tục sáng tác và truyền dạy về loại hình văn hóa độc đáo này”.
“Thời gian tới, ẩm thực Bạc Liêu cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu bằng nhiều hình thức như: trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội chợ, liên hoan du lịch; tham gia liên hoan ẩm thực các tỉnh,... để giới thiệu, quảng bá những món ăn đặc thù, nổi tiếng của thành phố Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước biết đến như: Bún nước lèo, bún bò cay, các loại thủy - hải sản tươi sống,....” - Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu nói.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được công nhận là sản phẩm du lịch OCOP 04 sao. Đặc biệt, tập trung phát triển các hoạt động trải nghiệm, các giá trị về giai thoại Công tử Bạc Liêu gắn với di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu,... Song song đó, những cơ sở thu hút đông du khách tham quan, hành hương như: Quán âm Phật đài, Chùa Xiêm Cán,… tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tài nguyên, sản phẩm du lịch đã cơ bản được đầu tư phục vụ khách du lịch như du lịch sinh thái gắn với tham quan Điện gió, du lịch vườn chim, Vườn nhãn Bạc Liêu, tuyến du lịch sinh thái ven biển"...
Bảo tồn giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc
Bạc Liêu với bờ biển dài trên 10km, dọc theo bờ biển, các dân tộc Kinh – Hoa – Khmer sống đan xen đã hình thành nên một nền văn hóa đặc trưng với những tín ngưỡng, kiến trúc, văn hóa và nhiều lễ hội truyền thống lâu đời mang nét độc đáo đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, đặc biệt bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer như: hát Dù - kê, nhạc ngũ âm, múa Apsara, múa Rom vong, trống sa săm, múa gáo dừa,… mang đậm bản sắc dân tộc Khmer,… và các Lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc Khmer như Lễ hội Ok Om Bok, Lễ Dâng bông, Tết dolta, Tết Chôl Chnăm Thmây,… phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách.
Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) đã được Hiệp hội Du lịch (HHDL) ĐBSCL trao Bằng công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. |
Thượng tọa Dương Quân - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, Trụ trì chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), cho biết: “Chùa Xiêm Cán đã được Hiệp hội Du lịch (HHDL) trao Bằng công nhận là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đây là địa điểm hoạt động văn hóa tâm linh, là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm của người Khmer. Chùa cũng là địa điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật của người Khmer, Đội Văn hóa - Văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán được ban quản trị chùa thành lập và hoạt động nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vốn có của người Khmer, phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa các điệu múa Apsara, Rom vong, Sarawan, trống sa săm, múa gáo dừa mang đậm bản sắc dân tộc Khmer”.
“Chùa Xiêm Cán cũng là nơi học tập của các sư sãi, hiện chùa có 3 lớp học, mở từ thứ 2 đến thứ 7, được nghỉ 3 tháng trong năm, thời gian nghỉ do nhà chùa quy định. Hiện thường xuyên có 50 sư theo học với đủ lứa tuổi, chương trình học từ lớp 1 đến lớp 8. Nội dung giảng dạy là chữ Khmer, các môn toán, tiếng Việt và giáo lý phật giáo Khmer” - Thượng tọa Dương Quân chia sẻ.
Đầu tư sản phẩm du lịch trọng điểm
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chiến lược phát triển du lịch thành phố Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng năm 2030. Trong đó, TP Bạc Liêu tập trung nhiều vào sản phẩm du lịch vườn nhãn Bạc Liêu, du lịch sinh thái Vườn chim,... Đồng thời đặt chỉ tiêu sẽ xây dựng khu du lịch Vườn nhãn trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm của thành phố gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều dịch vụ phong phú như: ăn uống, vui chơi giải trí, tham quan trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại nhà dân (Homestay)...
Thanh nhãn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu độc quyền. Đặc biệt, vườn nhãn trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm của thành phố gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều dịch vụ phong phú. |
Bà Trần Kiều (71 tuổi, còn gọi là Thanh), một chủ khu vườn nhãn cổ rộng lớn ở ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu lai tạo thành công. Giống nhãn mới nổi tiếng thơm ngon được đặt, ghép theo tên của bà Thanh nên gọi là thanh nhãn. Năm 2014, thanh nhãn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu độc quyền. Đây không chỉ là niềm vui của gia đình bà Thanh mà còn là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.
“Bạc Liêu đang là một điểm đến du lịch hấp dẫn, nếu cây thanh nhãn được trồng phổ biến thì sẽ tạo được một sản phẩm độc đáo, hấp dẫn khách du lịch. Thanh nhãn còn mở ra nhiều tiềm năng cho các nhà vườn trong việc xuất khẩu, bởi có những ưu điểm mà nhiều loại nhãn khác không có được” - bà Thanh chia sẻ.
Để huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch TP Bạc Liêu, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, trong đó khuyến khích đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư trong phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch; tạo điều kiện cho người dân tham gia kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, hình thành khu phố đi bộ gắn với mô hình tái hiện văn hóa 03 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer để thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm; bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán (tổ chức công nhận là điểm lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long).
Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân để phát động toàn xã hội tham gia quảng bá du lịch với phương châm “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch.
Bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer như: hát Dù - kê, nhạc ngũ âm,… và các Lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc Khmer như Lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Tết dolta,… phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách. |
Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được công nhận là sản phẩm du lịch OCOP 04 sao. |
Để đạt được những mục tiêu trên, theo bà Lê Kim Thuý - Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, giải pháp kích cầu du lịch của tỉnh trên địa bàn thành phố phải phù hợp với thực tế và xu thế, có tính khả thi, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố; tập trung nguồn lực của Nhà nước, của các doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả các nội dung đề ra; Sản phẩm du lịch, dịch vụ, tour kích cầu, khuyến mãi phải đảm bảo chất lượng, có tính cạnh tranh cao, phát triển bền vững. Đặc biệt, quyết tâm xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị du lịch, thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh”.
Hiện, tỉnh Bạc Liêu có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long). Trong đó, có 09 điểm du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. Bên cạnh việc phát triển các du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như: sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; thì hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến, đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách.