Xây dựng nông thôn mới không thể bỏ qua bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để nông thôn trở thành “nơi đáng sống” theo mục tiêu Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, công tác bảo vệ môi trường nông thôn vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ tại nhiều địa phương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nâng cao chất lượng sống tại nông thôn

Ngày 6/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai “Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn” và “Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Về vấn đề môi trường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn.

Một số mục tiêu cụ thể là, đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày... Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, đến thời điểm hiện tại Trung ương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu làm căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị thực hiện. Do đó, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường nông thôn để nâng cao chất lượng môi trường sống người dân, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp.

Tăng cường bảo vệ môi trường

Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện kế hoạch triển khai Chương trình. Trên thực tế, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, như: Môi trường làng nghề, vệ sinh nông thôn ở nhiều địa phương chưa thể giải quyết triệt để; biến đổi khí hậu tác động đến cấp nước và môi trường; chưa thu hút được đầu tư vì không nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực nước sạch;…

Năm 2014, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia tập trung vào chủ đề “Môi trường nông thôn” và chỉ ra nhiều vấn đề môi trường nổi cộm trong những năm qua. Trong đó, khu vực nông thôn tập trung khoảng 70% số dân cả nước nhưng phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí,…) nghiêm trọng.

Theo thống kê, mỗi năm ở khu vực nông thôn phát sinh hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, có nhiều loại rác thải nguy hại chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp ra môi trường như vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Ngoài ra, gần 4.600 làng nghề, hoạt động sản xuất nghề nông thôn cũng đối mặt với nạn ô nhiễm. Tỷ lệ người mắc bệnh ở đây có xu hướng ngày càng tăng, tuổi thọ của người dân cũng giảm và thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc. Đáng nói, công tác quản lý chất thải nông thôn tại các địa phương vẫn chưa được quan tâm, chú trọng. Do đó, tình trạng phổ biến là nhiều địa phương đã tận dụng các ao, hồ, vùng trũng để đổ rác thải, hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình kỹ thuật, làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tình trạng nêu trên, từ ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư đến trách nhiệm của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý ở nhiều địa phương... Chính vì thế, nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa thể đáp ứng tiêu chí 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Không thể phủ nhận, trong những năm qua, nhiều địa phương đã có những mô hình, giải pháp hay trong bảo vệ môi trường nông thôn – cần được nhân rộng trên cả nước. Tuy nhiên, để Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” đạt mục tiêu đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, tăng cường thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong Quyết định số 925/QĐ-TTg, bao gồm: Truyền thông và nâng cao năng lực; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Khoa học công nghệ; Huy động nguồn lực và đặc biệt là Phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đọc thêm