Xây dựng pháp luật: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

(PLVN) - Chiều nay (15/8), tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội (ĐB) Triệu Thị Thu Phương (Bắk Kạn) về chất lượng của một số dự án luật và việc thực thi trên thực tế chưa cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng đây là thực tế mà Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Trưởng ngành, Bộ trưởng và yêu cầu những người đứng đầu này chịu trách nhiệm trực tiếp khi các dự án luật có vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

3 đến 5 ngày phải thẩm định xong 1 dự án Luật!

Nêu câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắk Kạn) cho biết, hiện tại việc góp ý, tiếp thu chỉnh lý của một số dự án lật luật không thấu đáo, dẫn đến chất lượng của các luật ban hành, thông qua không cao. “Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trách nhiệm của Bộ và các giải pháp xử lý dứt điểm trong thời gian tới như thế nào”. Vẫn theo ĐB Phương, trong thời gian qua nhiều luật, nghị quyết đã được ban hành nhưng không đủ nguồn lực để thi hành dẫn đến tính khả thi không cao, vậy đâu là nguyên nhân vài giải pháp?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, khi xây dựng một dự án luật, theo quy định thì Bộ Tư pháp có 20 ngày thẩm định nhưng có nhiều dự án luật Bộ làm trong 5 ngày, cá biệt có dự án luật 3 ngày thẩm định. “Đây là một thực tế, trong thời gian tới chúng tôi nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trình dự án luật. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm nghị định 55 đó là Bộ trưởng, trưởng ngành phải phụ trách, chịu trách nhiệm kết quả của dự án luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Về trách nhiệm của Bộ Tư pháp, theo Bộ trưởng Lê Thành Long hiện tại, Bộ Tư pháp đã mở rộng hội đồng thẩm định. Theo đó, Bộ huy động sự tham gia ý kiến của nhiều chuyên gia hơn để chất lượng của các dự án, dự thảo tốt hơn. Đồng thời, thực hiện quy định của pháp luật, Bộ luôn đôn đốc và làm việc với bộ, ban ngành trong quá trình xây dựng luật.

“Ví dụ như, trong quá trình xây dựn Bộ Luật Lao động sửa đổi chúng tôi cử chuyên gia cao cấp tham gia với Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội ngay từ đầu. Từ lúc bàn về định hướng gần như chuyên gia của Bộ Tư pháp là một biên chế của Bộ Lao động thương binh và Xã hội đó là đồng chí Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói và đề nghị các cơ quan cần cân nhắc rất kỹ việc đề xuất các dự án khi đưa và chương trình xây dựng pháp luật. Vì có một xu hướng dường như các bộ hơi ôm đồm và chưa dự liệu hết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai. Còn một khi đã đưa vào chương trình thì bộ, ngành cần có kế hoạch cũng như tiến độ để bám sát thực hiện cụ thể.

Về vấn đề nguồn lực thực thi các luật đã ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, để việc thi hành pháp luật và hiệu quả cần sự tiên quyết đồng thời của 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất, văn bản pháp luật thông qua phải thi hành được. Thứ 2, trách nhiệm hành chính của các bộ, ban, ngành tổ chức thi hành theo quy định của Hiến pháp, Pháp luật. Thứ 3 là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. “Tôi cho rằng, trách nhiệm bảo đảm tính khả thi thì việc dự kiến nguồn lực và điều kiện đảm bảo thi hành luật đã được quy định cụ thể tại Điều 34, 35 của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật (VBQPPL) trong đó có đánh giá tác động của các chính sách, quy định rất cụ thể.

Theo đó, khi xây dựng dự án luật phải có ý kiến của Bộ Tài chính liên quan đến tiền, của Bộ Nội vụ liên quan đến bộ máy và nguồn lực thực hiện, của Bộ Ngoại giao liên quan đến tính tương thích của các điêu ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và cuối cùng là ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để đảm bảo tính tương thích, khả thi mà văn bản ta đề xuất đối với hệ thống pháp luật nói chung. Đây là những việc mà chúng ta đã cố gắng nhưng trong thời gian qua chúng ta thực hiện chưa tốt lắm”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp vấn đề quan trọng nhất là cần đặt, trách nhiệm hành chính của người đứng đầu đơn vị thi hành và trách nhiệm chính trị ở đây. Từ đó, kịp thời phát hiện những khó khăn để giải quyết vấn đề ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của người dân. Hiện bây giờ chúng tôi được Thủ tướng Chính phủ giao một đề án về tăng cường hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật. Một phần của đề án hướng tới việc trình Quốc hội có ban hành được Luật tổ chức thi hành pháp luật. Bây giờ chúng tôi đang triển khai.

Liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, vấn đề này luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Từ tháng 8 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 3 phiên chuyên đề xây dựng pháp luật. Các bộ, ngành cũng đã vào cuộc quyết liệt hơn và trách nhiệm của trưởng ngành, bộ trưởng rõ rệt hơn.

Tuy vậy, việc trình các dự án luật còn chậm, chất lượng có chưa cao rồi tình trạng rút dự án luật đã giảm nhưng vẫn còn. Tình trạng nợ đọng văn bản các nghị định, các thông tư tuy đã giảm khá mạnh nhưng vẫn còn. Cho đến nay, các bộ, ngành còn nợ 18 Văn bản, trong đó có 2 nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực 1/1/2018 và 16 nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và 1/7/2019.

Nguyên nhân, chúng ta chưa tuân thủ quy trình, trình tự của Luật Ban hành VBQPPL. Cùng với đó, sự quan tâm chỉ đạo của một số tư lệnh ngành chưa đúng mức. Một số vấn đề giao quy định chi tiết chưa đánh giá kỹ, thời gian cho phép ban hành ngắn mà phần lớn là vấn đề phức tạp. Việc phối hợp cơ quan, liên bộ còn trục trặc, hạnh chế.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL; sẽ cập nhật và công khai việc nợ đọng văn bản của từng bô ngành; tăng cường công tác đôn đốc của Chính phủ; tăng cường năng lực xây dựng, triển khai pháp luật tại các ngành.

Đọc thêm