Xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay - Bài 2: Hành trình 'gỡ khó' từng bước

(PLVN) - Phát triển cơ sở đảng, đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần trẻ hóa đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở địa phương.

> Xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay - Bài 1: Nỗi lo về thiếu nguồn phát triển Đảng

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, việc phát triển Đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ then chốt, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, đồng thời mở ra cơ hội để người dân tộc thiểu số thêm tự tin, chủ động tham gia vào sự nghiệp chung.

Tuy nhiên, hành trình này đầy thử thách với những trở ngại về địa lý xa xôi, tập quán truyền thống và những thiếu thốn về điều kiện phát triển. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, công tác xây dựng Đảng ở vùng cao đòi hỏi sự bền bỉ, sáng tạo và quyết tâm không ngừng của những người đang ngày đêm cống hiến vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.

Tặng bò để hỗ trợ đảng viên phát triển kinh tế

Nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào DTTS để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và thách thức từ thực tế đặt ra, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên đã có nhiều sáng kiến, nhiều cách làm hay giúp cho công tác phát hiện, đào tạo bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số ngày càng đáp ứng được đúng đủ lượng và chất.

Tại huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, khó khăn trong công tác xây dựng phát triển Đảng trong cộng đồng đồng bào DTTS là trăn trở lớn mà Ban Thường vụ Huyện ủy tìm hướng tháo gỡ. Làm sao để có nguồn phát triển đảng thực sự có chất lượng, là những hạt nhân chính trị, hạt nhân kinh tế cho sự phát triển của địa phương.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Xín Mần đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “tăng cường công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị vững mạnh giai đoạn 2020-2025; Chương trình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, theo đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu mỗi năm kết nạp 150 đảng viên mới theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 18 đã đề ra và bảo đảm tỷ lệ tăng từ 3-4%/tổng số đảng viên.

Đồng thời, Huyện ủy Xín Mần chỉ đạo các Chi, Đảng bộ chú trọng chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phát động các phong trào thi đua, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng, trong đó tập trung chủ yếu lực lượng thanh niên, phụ nữ, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách xã, thôn; viên chức trong đơn vị trường học, trạm y tế, học sinh, sinh viên; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trọng tâm, cụ thể, đồng thời phân công đảng viên chính thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp đỡ người vào Đảng.

Với phương châm "Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên", các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên của cả nhiệm kỳ, hằng năm và thực hiện có hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi để quần chúng phấn đấu, rèn luyện, giác ngộ lý tưởng, có động cơ, mục đích trong sáng vào Đảng.

Đảng viên được kết nạp có cơ cấu độ tuổi tương đối phù hợp, số lượng đảng viên nữ, trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, người có tôn giáo tăng lên, tạo sinh lực mới cho Đảng. Cùng với số lượng, chất lượng đảng viên có chuyển biến tích cực, trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị cũng được nâng cao.

Hiện nay, Đảng bộ huyện có trên 63,59% đảng viên có trình độ THPT, khoảng 17% đảng viên có trình độ đại học và trên 51,77% đảng viên có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên.

Việc quản lý, rà soát, sàng lọc, đánh giá, xếp loại chất lượng, kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ, xử lý đảng viên phạm, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng được thực hiện nề nếp. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" được đẩy mạnh.

Ngoài ra, để thu hút lực lượng thanh niên tham gia vào Đảng, trong những năm qua Huyện ủy Xín Mần duy trì, thực hiện tốt mô hình tặng bò cho thanh niên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi tại ngũ, nhằm tạo vốn cho thanh niên sau khi xuất ngũ trở về phát triển kinh tế vừa khuyến khích thanh niên tích cực tham gia nghĩa vụ quân sự, phấn đấu rèn luyện và phát triển kinh tế.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã tặng bò cho 108 đồng chí đảng viên sau khi xuất ngũ, số kinh phí 1,08 tỷ đồng (mỗi con bò trị giá 10 triệu đồng). Đến nay, từ những con bò giống được tặng, nhiều đồng chí gây dựng, phát triển thành đàn bò 3-4 con, có đồng chí mạnh dạn mở rộng, phát triển chăn nuôi thêm đàn dê, lợn từ tiền bán bò, phát triển cây hồng không hạt một đặc sản của địa phương.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Xín Mần đã tặng bò cho 108 đồng chí đảng viên sau khi xuất ngũ, số kinh phí khoảng 1,08 tỷ đồng (mỗi con bò trị giá 10 triệu đồng). Nguồn: Huyện ủy Xín Mần

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Xín Mần đã tặng bò cho 108 đồng chí đảng viên sau khi xuất ngũ, số kinh phí khoảng 1,08 tỷ đồng (mỗi con bò trị giá 10 triệu đồng). Nguồn: Huyện ủy Xín Mần

Việc phát triển Đảng viên tại thôn Chí Cà, xã Xín Mần, tỉnh Hà Giang là một hành trình vượt qua nhiều khó khăn nhưng cũng đem lại những kết quả tích cực. Đảng bộ xã hiện có 203 Đảng viên, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số như La Chí, Tày, Nùng và Mông, với 109 Đảng viên thuộc khu vực nông thôn. Mỗi năm, cấp ủy và ban thường vụ Đảng ủy đều đưa ra kế hoạch phát triển Đảng, nhấn mạnh công tác tuyên truyền và vận động thanh niên địa phương tham gia Đảng.

Theo ông Nguyễn Xuân Phương - Phó Bí thư đảng uỷ xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết: “Đảng bộ xã Chí Cà thường xuyên vượt chỉ tiêu 5 Đảng viên mỗi năm và đạt tới 7-9 Đảng viên. Sự tham gia tích cực của Đảng viên trẻ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế qua các mô hình trồng cây đặc sản như hồng không hạt, ý dĩ và cây ôn cúc, các loại cây trồng đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con và được người dân tin tưởng, ủng hộ”.

Ông Nguyễn Xuân Phương - Phó Bí thư đảng uỷ xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Ông Nguyễn Xuân Phương - Phó Bí thư đảng uỷ xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Ngoài việc phát triển kinh tế, Đảng viên xã Chí Cà cũng tích cực bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc địa phương thông qua các hoạt động cộng đồng như ngày hội đại đoàn kết, ôn lại bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đồng thời, theo nghị quyết 27 của tỉnh Hà Giang, xã cũng đã thực hiện các thay đổi trong tập quán cưới hỏi và ma chay, giản tiện nghi thức để xây dựng nếp sống văn minh.

Các Đảng viên còn được phân công nhiệm vụ cụ thể gắn liền với đời sống dân sinh, từ đảm bảo an ninh trật tự đến hướng dẫn bà con trong việc chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Các mô hình chăn nuôi như nuôi lợn đen, gà xương đen, và phát triển cây trồng đặc trưng không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần giảm nghèo bền vững. Điều này cho thấy sự cam kết và nỗ lực của Đảng viên trong việc tạo ra một môi trường phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa và xây dựng đời sống ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Chí Cà.

Quần chúng ưu tú sau khi được kết nạp vào Đảng đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng, hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị.

Nhiều đảng viên trẻ đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã tiêu biểu, trở thành nòng cốt lan tỏa phong trào sáng tạo, khởi nghiệp; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, lễ hội, mỗi đảng viên, mỗi gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng khu dân cư lành mạnh, an toàn.

Vai trò nêu gương của đảng viên được phát huy đã khơi lên sức mạnh trong Nhân dân, làm cho Nhân dân tin tưởng, đồng thuận, tích cực tham gia hiến đất, mở rộng đường, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng đảng, hệ thống chính trị; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mô hình phát triển cây hồng không hạt của gia đình đồng chí Nông Thanh Tùng - chi ủy viên chi bộ thôn Chí Cà Hạ, huyện Xín Mần. Ảnh: Duy Đại

Mô hình phát triển cây hồng không hạt của gia đình đồng chí Nông Thanh Tùng - chi ủy viên chi bộ thôn Chí Cà Hạ, huyện Xín Mần. Ảnh: Duy Đại

Đảng viên mới kết nạp luôn thể hiện tính tiên phong, gương mẫu

Đối với Đảng bộ thị xã Sa Pa hiện nay có 50 chi bộ, Đảng bộ cơ sở trực thuộc (trong đó có 22 Đảng bộ và 28 chi bộ). Số chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở là 231 chi bộ (trong đó chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phường là 205 chi bộ, chi bộ trực thuộc đảng bộ lực lượng vũ trang là 11, chi bộ trực thuộc Đảng bộ sự nghiệp là 10, chi bộ cơ quan đảng là 5).

Tổng số đảng viên toàn đảng bộ thị xã hiện nay là 4.045 đảng viên, trong đó có 2.258 đảng viên là DTTS (chiếm 55,8%). Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ thị xã phát triển được 741/500 đảng viên, đạt 148% mục tiêu Đại hội, trong đó đảng viên là DTTS 485/741, chiếm 65,4%, có 50 tổ chức cơ sở đảng đều ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số.

Xác định công tác phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm có đội ngũ đảng viên trẻ kế cận vì vậy Ban Thường vụ Thị ủy trực tiếp là Thường trực Thị ủy Sa Pa luôn thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, chú trọng tới công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ thị xã.

Đội ngũ đảng viên mới kết nạp luôn thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, hằng năm đều được đánh giá, xếp loại đảng viên “hoàn thành tốt nhiệm vụ” được giao, không có trường hợp kết nạp người vào Đảng vi phạm quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.

Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng viên tại vùng dân tộc thiểu số như tại xã Mường Hoa vẫn đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội và sự hạn chế về trình độ nhận thức của một bộ phận bà con. Tuy nhiên, Đảng bộ xã Mường Hoa đã có những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ các trở ngại, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ngay từ cơ sở.

Ông Tẩn A Sinh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoa, thị xã SaPa cho biết, những khó khăn trong phát triển Đảng tại vùng dân tộc thiểu số xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trình độ học vấn của bà con còn hạn chế, nhiều người dân chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của người Đảng viên. Bên cạnh đó, thanh niên trong độ tuổi lao động thường xuyên đi làm xa tại các khu du lịch lớn như Sa Pa, điều này gây khó khăn cho việc tuyên truyền, vận động họ tham gia vào các lớp học cảm tình Đảng. Đặc biệt, một tỷ lệ lớn người dân ở Mường Hoa theo đạo, nhưng hiện chưa có chủ trương cụ thể từ cấp trên để kết nạp tín đồ tôn giáo này vào Đảng, khiến việc phát triển Đảng tại các thôn Hầu Chư Ngài và các khu vực lân cận trở nên phức tạp hơn.

Ông Tẩn A Sinh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoa, thị xã SaPa.

Ông Tẩn A Sinh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoa, thị xã SaPa.

Trước những khó khăn đó, Đảng ủy xã Mường Hoa đã triển khai nhiều biện pháp tích cực. Hàng năm, Đảng bộ xã đều xây dựng kế hoạch phát triển Đảng, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chi bộ và phối hợp với các đoàn thể để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Các hoạt động gặp gỡ, động viên và làm công tác tư tưởng được thực hiện thường xuyên, giúp bà con hiểu rõ hơn về ý nghĩa và trách nhiệm của người Đảng viên. Nhờ đó, công tác phát triển Đảng đã có những tiến triển khả quan.

Trong năm 2023, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nguồn tham gia các lớp đào tạo giảm, xã Mường Hoa vẫn kết nạp được 8 Đảng viên mới, hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra. Đến năm 2024, số lượng Đảng viên mới kết nạp đã đạt 14 người, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.

Ngoài ra, Đảng bộ xã Mường Hoa cũng chú trọng đến việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các Đảng viên hiện có, đặc biệt là các Đảng viên đã có thời gian tham gia công tác ở xã. Họ được động viên tích cực tham gia các phong trào xây dựng thôn bản, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch – một thế mạnh của địa phương

Bằng những nỗ lực và cách tiếp cận gần gũi với bà con, công tác phát triển Đảng viên tại xã Mường Hoa đã có những bước tiến quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của xã, xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh.

Là một trong những thanh niên người dân tộc thiểu số trẻ tuổi nhất được kết nạp vào Đảng tại xã Mường Hoa, Sa Pa, anh Châu A Dế đã trở thành hình mẫu cho tinh thần phấn đấu bền bỉ. Sinh năm 1991, vào Đảng năm 2011, hành trình của Châu A Dế không chỉ là câu chuyện về ý chí cá nhân mà còn là sự cống hiến không ngừng cho cộng đồng.

Với quan điểm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Châu A Dế đã trở thành tấm gương sáng trong thôn bản. Là người đi đầu trong việc phát triển mô hình kinh tế gia đình và tham gia Ban công tác Mặt trận của thôn, anh đã không ngừng lan tỏa những giá trị tích cực. Hiện tại, anh vừa làm Phó Bí thư Chi bộ thôn Hoà Pán Sử (SaPa, Lào Cai) vừa làm công tác xã hội vừa phát triển kinh tế bằng công việc nông nghiệp và kinh doanh tại địa phương.

Anh Châu A Dế - Phó Bí thư Chi bộ thôn Hoa Pán Sử (Mường Hoa, Sapa, Lào Cai) trao đổi cùng pv Báo PLVN.

Anh Châu A Dế - Phó Bí thư Chi bộ thôn Hoa Pán Sử (Mường Hoa, Sapa, Lào Cai) trao đổi cùng pv Báo PLVN.

Không chỉ chăm lo cho bản thân, Châu A Dế còn ấp ủ ước mơ hướng con em trong thôn bản đi theo con đường của mình. Anh luôn khuyến khích và động viên thanh niên trong thôn cố gắng học tập, phấn đấu vào Đảng, bởi anh tin rằng Đảng sẽ là nền tảng để thế hệ trẻ đóng góp và phát triển cộng đồng.

Với sự kiên trì và tâm huyết, anh Châu A Dế đã vượt qua những thử thách và trở thành một trong những Đảng viên xuất sắc, tiếp tục góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh và vững vàng trong sự phát triển chung của xã hội.

Chú trọng phát triển đảng viên người đồng bào DTTS

Tại TP Móng Cái, trong những năm trở lại đây, làm tốt công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào DTTS là vấn đề luôn được Đảng bộ TP chú trọng. Một trong vấn đề cốt lõi hàng đầu là việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy tổ chức đảng vùng đồng bào DTTS, trong đó xác định phát triển đảng viên người đồng bào DTTS là trung tâm; nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, chi bộ vùng đồng bào DTTS là hạt nhân, gốc rễ; xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bào DTTS là then chốt.

Ông Hoàng Bá Nam - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết, thời gian tới, Thành ủy tiếp tục xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho các chi, đảng bộ cơ sở vùng đồng bào DTTS, chỉ đạo rà soát, làm tốt công tác tạo nguồn, xem xét kết nạp vào Đảng những quần chúng là người DTTS; coi kết quả phát triển đảng viên là một trong những tiêu chí đánh giá các tổ chức cơ sở đảng, người đứng đầu cấp ủy.

Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ vùng đồng bào DTTS theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết nội bộ; bảo đảm tính giáo dục, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình, khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt đảng; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng và đảng viên theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng đồng bào dân tộc có năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa giữa các thế hệ.

Việc phát triển Đảng viên tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn gặp nhiều trở ngại do đặc thù về vị trí địa lý, trình độ văn hóa và điều kiện kinh tế của bà con. Tuy nhiên, tại thôn Lục Chắn (Móng Cái, Quảng Ninh), ông Lỷ A Chặng - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp công tác phát triển Đảng đạt được những thành quả nhất định

Để khuyến khích bà con tham gia công tác Đảng, ông Lỷ A Chặng tận dụng uy tín và sự tin tưởng của cộng đồng. Ông thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa của dân tộc như lễ hội, đám cưới, đám tang để tạo sự gần gũi, đồng thời kết hợp tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của việc trở thành Đảng viên. Việc chia sẻ bằng ngôn ngữ và phong tục bản địa giúp người dân dễ tiếp thu hơn, từ đó giảm bớt khoảng cách giữa bà con với các hoạt động của Đảng.

Đối với lớp thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Chi bộ đặc biệt chú trọng tiếp cận và động viên họ tham gia vào Đoàn Thanh niên - một bước khởi đầu quan trọng để họ làm quen với các hoạt động chính trị, xã hội. Các thanh niên này thường có tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm cao, là nguồn lực quý giá để bồi dưỡng và phát triển thành Đảng viên.

Ông Lỷ A Chặng - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lục Chắn, Móng Cái, Quảng Ninh chia sẻ với PV.

Ông Lỷ A Chặng - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lục Chắn, Móng Cái, Quảng Ninh chia sẻ với PV.

Bằng những cách tiếp cận phù hợp, ông Lỷ A Chặng và Chi bộ thôn Lục Chắn đã từng bước tháo gỡ khó khăn, góp phần tạo nguồn lực Đảng viên trẻ và có năng lực cho địa phương. Những giải pháp này không chỉ thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo mà còn là tâm huyết, sự kiên trì, bền bỉ của Chi bộ trong việc phát triển đội ngũ kế thừa, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở.

Việc xây dựng và phát triển Đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa Pa, Xín Mần, Móng Cái và những vùng biên cương khác không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là sứ mệnh mang tính chiến lược lâu dài. Khi từng khó khăn được tháo gỡ, từng người trẻ ưu tú được lựa chọn vào hàng ngũ của Đảng, chúng ta dần khơi dậy một đội ngũ Đảng viên đầy tâm huyết, gắn bó chặt chẽ với cộng đồng. Sự tiên phong và trách nhiệm của họ không chỉ góp phần xây dựng lòng tin của nhân dân mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng. Đây chính là những hạt mầm quan trọng để các vùng miền xa xôi vươn mình đi lên, đóng góp vào sự phồn thịnh chung của đất nước.

Đọc thêm