Xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư phục vụ lợi ích chung

(PLVN) -  Thủ tướng mong muốn xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư luôn ý thức tinh thần phục vụ lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, góp phần xây dựng thể chế, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu dự buổi làm việc.
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu dự buổi làm việc.

Chiều 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đã báo cáo tóm tắt kết quả Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III và một số đề xuất, kiến nghị.

Sau khi lắng nghe báo cáo của Liên đoàn, ý kiến các đại biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, pháp lý được Đảng và Nhà nước giao, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực góp ý, xây dựng chính sách, pháp luật, rà soát thủ tục hành chính, trợ giúp pháp lý miễn phí, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Chúc mừng Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III, Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương các thành tích mà giới luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn và tin tưởng thời gian tới, giới luật sư, Liên đoàn Luật sư sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, nhất là trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng mong muốn Liên đoàn Luật sư sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Thủ tướng mong muốn Liên đoàn Luật sư sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập trung xây dựng tổ chức xã hội-nghề nghiệp luật sư trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và đội ngũ luật sư; thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị-pháp lý do Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền giao phó; xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư luôn ý thức tinh thần phục vụ lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, góp phần xây dựng thể chế, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng với đó, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất; tiếp tục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức liêm chính, trong sáng của luật sư; nâng cao chất lượng vụ pháp lý cho khách hàng và cộng đồng xã hội; đặc biệt quan tâm công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế, các gia đình khó khăn… Có chiến lược và kế hoạch phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ lợi ích công và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho ý kiến cụ thể về các kiến nghị, đề xuất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trên cơ sở thực hiện đúng các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, Thủ tướng giao các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để cụ thể hóa chủ trương tại Kết luận của Bộ Chính trị về hội quần chúng.

Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung và nghiêm túc triển khai Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/2/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, trong đó quan tâm đến chính sách sử dụng đội ngũ luật sư ngay từ khi bắt đầu các dự án kinh tế-xã hội của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa tranh chấp, bảo đảm lợi ích công.

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách với luật sư khi tham gia các hoạt động bảo vệ lợi ích công, bảo đảm thu hút được luật sư có trình độ cao, có kỹ năng và kinh nghiệm trong đàm phán, tranh tụng, tham gia nhiều hơn vào việc bảo vệ lợi ích công trong đầu tư, thương mại cũng như tranh tụng quốc tế.

Đọc thêm