Xây dựng quy định về công cụ nợ Chính phủ: “Nguyên tắc thị trường” được thực hiện như thế nào?

(PLO) - Góp ý Dự thảo Nghị định về công cụ nợ Chính phủ trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, cần phải có biện pháp cụ thể hơn để bảo đảm nguyên tắc thị trường. 

Mua lại và hoán đổi công cụ nợ Chính phủ: theo nguyên tắc thị trường

Điều 7 của Dự thảo Nghị định về công cụ nợ Chính phủ quy định về việc mua lại và hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ và yêu cầu việc này phải được thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia VCCI, các biện pháp cụ thể hơn để bảo đảm nguyên tắc này thì chưa được quy định. Bởi, trong quá trình mua lại, hoán đổi sẽ đặt ra những vấn đề như: vì sao mua lại trái phiếu này mà không mua lại trái phiếu khác, vì sao mua lại của người này mà không mua lại của người khác…

Nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định, trình tự thủ tục mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, có thể bao gồm các biện pháp như công khai kế hoạch mua lại, hoán đổi, chào giá hoặc tổ chức đấu giá công khai giữa những người bán…

Điều kiện làm tổ chức bảo lãnh chính: phải làm rõ để đảm bảo minh bạch

Khoản 3 Điều 12 của Dự thảo quy định các điều kiện để một tổ chức được bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc, gồm: (a) nếu đáp ứng được quy định của Kho bạc Nhà nước đối với mỗi đợt phát hành; (b) có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo lãnh chứng khoán; (c) có phương án bảo lãnh phát hành khả thi.

Các chuyên gia từ VCCI cho rằng, các điều kiện này hiện đang được thể hiện một cách định tính và thiếu minh bạch. Điều này có thể tạo cơ chế xin-cho trong quá trình thực thi. Do đó, cần sửa đổi quy định theo hướng: trước mỗi đợt phát hành theo hình thức bảo lãnh, chủ thể phát hành phải tiến hành mời thầu để lựa chọn tổ chức bảo lãnh phát hành theo trình tự thủ tục của Luật Đấu thầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn.

Khung hợp đồng áp dụng cho các giao dịch trái phiếu Chính phủ

Ban soạn thảo dự thảo Nghị định cho rằng, theo thông lệ quốc tế, để rút ngắn thời gian đàm phán và giảm thiểu rủi ro cho các bên khi tham gia giao dịch, cần quy định khung hợp đồng chuẩn áp dụng chung cho tất cả các giao dịch trái phiếu Chính phủ TPCP trên thị trường thứ cấp, trong đó quy định về nghĩa vụ của từng bên khi thực hiện giao dịch, việc xử lý tài sản đảm bảo khi một bên mất khả năng thanh toán. Vì thế, Điều 15 của Dự thảo quy định về giao dịch công cụ nợ Chính phủ trên thị trường thứ cấp về (1) loại hình giao dịch; (2) nội dung hợp đồng mua bán lại và bán kết hợp mua lại; và (3) xử lý trường hợp một bên không thực hiện hợp đồng.

Nhưng, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, đối với thị trường thứ cấp, các bên tham gia đều là những chủ thể tư nên cần bảo đảm quyền tự do hợp đồng, tự do thoả thuận. Việc Nhà nước can thiệp bằng biện pháp đưa ra hợp đồng khung chỉ nên mang tính khuyến khích, hỗ trợ, chứ không nên là một quy định bắt buộc.

Từ đó, Điều 15 Dự thảo Nghị định được kiến nghị sửa đổi theo hướng không quy định cứng nhắc chỉ có 3 hình thức giao dịch (mua bán thông thường, mua bán lại và bán kết hợp mua lại) mà các bên có thể giao dịch dưới mọi hình thức mà không trái với quy định của luật. Hơn nữa, bỏ quy định về kỳ hạn tối đa của giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại, nội dung hợp đồng quy định tại Điều 15 chỉ mang tính khuyến nghị, chứ không bắt buộc. Nếu các bên có thoả thuận khác thì tôn trọng thoả thuận đó. Nếu các bên không có thoả thuận khác thì mới áp dụng các nội dung này để giải quyết tranh chấp.

Đọc thêm