Xây dựng thành phố “thuận thiên” với biến đổi khí hậu

(PLVN) - Nghiên cứu cho thấy 70% lượng phát thải các-bon toàn cầu đến từ các đô thị. Bởi vậy việc xây dựng các thành phố xanh, thân thiện với môi trường hiện đang là một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới. Các đô thị tại Việt Nam cũng không nằm ngoài “cuộc đua” này, trong đó có thể kể đến một số “ứng cử viên” sáng giá như Huế, Đà Nẵng, Đồng Hới…
Trồng cây xanh là một trong những cách xây dựng thành phố “thân thiện” với môi trường.

“Chạy đua” cùng thế giới 

Theo số liệu của Liên Hợp quốc, dân số đô thị trên toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi, chiếm 2/3 dân số thế giới năm 2050. Sẽ có khoảng 350.000 tỷ USD được đầu tư vào phát triển các đô thị trong vòng 3 thập kỷ tới. Do vậy, không ngạc nhiên khi 70% lượng phát thải các-bon toàn cầu đến từ các đô thị. Điều đó cho thấy các thành phố có trách nhiệm và đóng vai trò quan trọng ngay từ bây giờ, trong công tác giảm thiểu các-bon, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Có nhiều chương trình đã và đang được phát động trên thế giới, trong đó phải kể đến Chương trình Thành phố Xanh - One Planet City Challenge (OPCC) do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2010, nhằm thúc đẩy sự thay đổi hành động toàn cầu, khuyến khích việc phát triển mở rộng những giải pháp tối ưu nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, hướng đến lối sống thân thiện với môi trường vì tương lai một hành tinh xanh.

Đến nay, đã có 400 thành phố, với trên 65% dân số toàn cầu, trên khắp 5 châu lục tham gia. Việt Nam hiện đang có 3 thành phố tham gia chương trình này: Huế, Đà Nẵng và Đồng Hới.

TP Huế được vinh danh là Thành phố xanh Quốc gia vào năm 2016. Huế cam kết đạt mục tiêu giảm phát thải 20% khí các-bon vào năm 2020 thông qua nhiều hoạt động như “xanh hoá” đô thị (18,5m2/người); phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng hiệu suất cao; chuyển sang dùng xe đạp, xe điện trong du lịch; áp dụng gạch không nung vào ngành xây dựng; 100% rác thải, 70% nước thải được thu gom, xử lí đúng cách; năng lượng mặt trời được đưa vào phục vụ du lịch, dịch vụ….

Đến năm 2018, TP Đà Nẵng cũng đạt danh hiệu Thành phố xanh Quốc gia với mục tiêu giảm phát thải 25% khí nhà kính vào năm 2030. Đáng kể tới là dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại bãi rác Khánh Sơn và sân bay Đà Nẵng với 7,4MW; dự án áp dụng xăng sinh học trên toàn thành phố; dự án xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày; dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng…

Còn trong giai đoạn 2019-2020, TP Đồng Hới hiện đã vượt qua vòng loại của Chương trình OPCC. Theo đó, mục tiêu của thành phố là giảm phát thải 45% các-bon vào năm 2050 thông qua các Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris ở TP Đồng Hới; Kế hoạch hành động biến đổi khí hậu 2016-2020, tầm nhìn 2050; Dự án Phát triển môi trường và hạ tầng đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu (2017-2022); Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải miền Trung (2018-2022); Dự án Đẩy mạnh sáng kiến giảm thiểu biến đổi khí hậu vì lợi ích phụ nữ…

Có thể thấy các thành phố tại Việt Nam đang rất nỗ lực thay đổi “diện mạo” để thân thiện hơn với môi trường, “thuận thiên” hơn với biến đổi khí hậu. Trong đó, các thành phố lớn khác như Sài Gòn, Hà Nội đều đã và đang nghiên cứu, thí điểm nhiều giải pháp để xanh hoá phố phường, giảm thiểu ô nhiễm, giảm nhiệt độ trong đô thị nhằm chống nóng lên toàn cầu.

Mô hình cộng đồng tham gia, cộng đồng giám sát

Trong các thành phố, Đà Nẵng là một trong những hình mẫu quyết liệt nhất về công cuộc xây dựng thành phố môi trường. Trong suốt 12 năm (2008-2020) thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, Đà Nẵng đã gặt hái được nhiều thành quả như 13/15 điểm nóng ô nhiễm được xử lý triệt để, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế; quy hoạch chất thải rắn đô thị, quy hoạch thoát nước đến năm 2030 tầm nhìn 2045; hoàn thành cơ bản các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung với tổng công suất đạt năm 2020 là 300.500m3/ngày.đêm; theo đó nâng cao ý thức trách nhiệm của đông đảo cư dân về bảo vệ môi trường; 

Những nỗ lực của thành phố được ghi nhận qua nhiều giải thưởng về môi trường: Thành phố các-bon thấp (2012); Thành phố phong cảnh châu Á (2013); Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi (2015); Thành phố xanh quốc gia của Việt Nam (2018);… Nhưng đáng nói nhất, phải kể đến nhiều mô hình, sáng kiến hay để cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường như: phong trào Ngày Chủ nhật xanh, khu dân cư không rác, câu lạc bộ thu gom rác bãi biển;… 

Để tiếp tục xây dựng TP Đà Nẵng đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 theo hướng đô thị sinh thái. Đề án này được tổ chức lấy ý kiến góp ý của cộng đồng, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân… nhằm tìm ra những giải pháp mới mẻ, khả thi nhất.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng – Tô Văn Hùng nêu quan điểm: “Vai trò của người dân trong quản lý, giám sát việc bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Bởi các hoạt động phải đặt ra tiêu chí cụ thể, phải  có sự tham gia quản lý, giám sát của người dân chứ không thể các nhà quản lý đề ra tiêu chí rồi tự đánh giá”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trườngVõ Tuấn Nhân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường rất hoan nghênh khi Đà Nẵng chủ động xây dựng Đề án “Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Thành phố sẽ đáp ứng các tiêu chí đặt ra về Thành phố môi trường, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, du khách trong và ngoài nước. Được biết, Đà Nẵng còn là thành phố đầu tiên trên cả nước xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường cho các đô thị khác trên toàn quốc. 

Thành phố môi trường đang là xu hướng trên thế giới, cũng như trong nước, khi mối quan tâm của xã hội về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn. Do đó, việc lồng ghép sự tham gia của cộng đồng vào kế hoạch quản lý môi trường là một chiến lược quan trọng trong quá trình xây dựng các Thành phố xanh, Thành phố môi trường.

Điều này còn nhằm tạo động lực cho người dân chủ động hỗ trợ các hoạt động tình nguyện bảo vệ rừng cộng đồng; tham gia các khoá học về bảo vệ môi trường tại trường học và cộng đồng; hợp tác với các cán bộ trong hoạt động giải quyết khiếu nại của người dân về ô nhiễm môi trường; chủ động tham gia các chiến dịch của thành phố như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng và đi xe đạp, đi bộ,… 

Đọc thêm