Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia: Tránh “xây nhà từ nóc”!

(PLO) - Thị trường trong nước cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam trước khi bước ra thế giới.
Muốn có thương hiệu cho gạo Việt, đòi hỏi khó nhất là người nông dân phải thay đổi tư duy, tập quán canh tác
Muốn có thương hiệu cho gạo Việt, đòi hỏi khó nhất là người nông dân phải thay đổi tư duy, tập quán canh tác
Vai trò của thị trường trong nước
Thị trường nội địa hiện chiếm 80% sản lượng lúa gạo Việt Nam và trong đó 30-40% là sản lượng lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), mặc dù xuất khẩu vẫn là động lực quan trọng cho sự phát triển ngành lúa gạo Việt Nam nhưng đã đến lúc ngành này cần phải có tầm nhìn về chính sách là hướng về thị trường nội địa. 
Theo VEPR, thị trường nội địa cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam. Sự thành công của việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cho người Việt mới là nền tảng vững chắc để giúp gạo Việt có thể vươn xa ra thị trường thế giới. 
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cũng cho rằng, để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần phải phát triển được thị trường. Bởi chính thị trường mới nuôi được thương hiệu, nếu có thương hiệu nhưng thị trường nhỏ lẻ thì thương hiệu không thể tồn tại được. Tuy nhiên, để bước được ra thị trường thế giới, trước hết phải hướng tới thị trường nội địa. Để có thương hiệu trên thị trường thế giới, trước tiên phải có thương hiệu trong nước.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đã bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu gạo riêng cho mình và bước đầu có một vài “ngôi sao” xuất hiện. Tuy mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo từ năm 2013 nhưng nhờ đi vào gạo chất lượng cao nên Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời) đã lọt vào hạng 10/200 công ty xuất khẩu gạo trong nước. 
Đối với thị trường nội địa, thương hiệu gạo “Hạt ngọc trời” cũng đã có mặt ở khoảng 60 siêu thị và hơn 200 đại lý phân phối. Công ty lương thực Tiền Giang cũng đã tự xây dựng được 10 thương hiệu gạo và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu.
Tuy nhiên, nhìn vào con số 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn đang tham gia vào hệ thống thương mại xuất khẩu gạo, với sự xuất hiện rải rác một vài thương hiệu nhỏ lẻ cho thấy ý thức xây dựng thương hiệu vẫn là một khoảng trống lớn, và việc xây dựng thương hiệu vẫn đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm.
Bắt đầu từ hạt gạo
Có một nghịch lý hiện nay, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận thức được rằng phải sản xuất gạo chất lượng cao, phải xây dựng được thương hiệu gạo thì mới có cơ hội nắm giữ, mở rộng thị trường, thế nhưng ở khâu sản xuất, nông dân lại vẫn đang thích trồng những giống lúa chất lượng thấp bởi chúng chống chịu được sâu bệnh, thích hợp nhiều mùa vụ, dễ canh tác, tốn ít công chăm sóc và năng suất cao. Điều đó khiến xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đang loay hoay hướng tới những thị trường dễ tính như châu Phi, Trung Quốc. 
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nói, vấn đề này các ngành chức năng đã nhận thấy và Bộ NN&PTNT cũng đang có nhiều giải pháp, trong đó có chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. 
Ông Trung cảnh báo, nếu Việt Nam sản xuất gạo có giá trị không cao thì ngay bản thân trong nội địa, cây lúa sẽ bị cạnh tranh với các cây trồng khác. Bên cạnh đó, khi hội nhập, lượng gạo chất lượng tốt hơn sẽ tràn vào Việt Nam và nếu không có chính sách điều chỉnh tốt sẽ gây bất lợi ngay trên sân nhà. 
Nhiều chuyên gia đề xuất, Việt Nam đang có hàng trăm giống lúa nhưng có thể chọn lấy 3 chủng loại giống như: gạo thơm Việt Nam, gạo đặc sản Việt Nam, gạo chất lượng cao Việt Nam. Từ cái tên đó, chọn giống phù hợp để xây dựng tiêu chí đánh giá, kiểm tra.  
Tuy nhiên, chọn giống là việc không quá khó nhưng ngoài giống tốt còn kèm theo nhiều yếu tố khác, trong đó đòi hỏi khó nhất là nông dân phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất. Bởi nếu có thương hiệu nhưng khâu tổ chức sản xuất không tốt, giá thành sản xuất không hạ thì các nước có gạo ngon, giá thấp vẫn dễ dàng tràn vào Việt Nam.

Đọc thêm