Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ đô la Mỹ trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, nên giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác; đồng thời, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. |
Trước vấn đề trên, tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng tầm giá trị cũng như tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản là điều cấp thiết cần được chú trọng quan tâm. Bởi, đối với người sản xuất, thương hiệu giúp tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng; thương hiệu như một lời cam kết giữa doanh nghiệp và khách hàng về chất lượng, tính pháp lý của sản phẩm, cũng như tạo nên sự khác biệt trong quá trình phát triển của sản phẩm. Còn đối với người tiêu dùng, thương hiệu giúp khách hàng xác định nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; giúp báo hiệu những đặc điểm và thuộc tính của sản phẩm tới khách hàng; giúp khách hàng giảm rủi ro khi quyết định mua và tiêu dùng một sản phẩm không có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng...
Về phía địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tập trung đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản trên địa bàn TP xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TP Cần Thơ nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời. Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mong muốn, thông qua buổi hội thảo hôm nay, ngành nông nghiệp đưa ra được các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng mức để giúp cho các địa phương và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ phía các địa phương, đơn vị doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng đối với các vấn đề liên quan đến cơ chế, quy định pháp luật về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam.
“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành nghị định về xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Bộ cũng tiến hành xây dựng thương hiệu cho hai sản phẩm nông sản là xoài và sầu riêng, vì hai loại nông sản này hiện đang chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc xây dựng và nhận diện rõ phạm vi sử dụng của thương hiệu là điều cần thiết để định hướng cơ chế chính sách phát triển, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, cũng như có hướng giải quyết hiệu quả khi có tranh chấp xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng nông sản một cách chặt chẽ, khoa học, bảo đảm sản phẩm khi lưu thông trên thị trường có chất lượng ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế là vấn đề quan trọng, trong quá trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam bền vững.