Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt: Đăng ký để… “giữ chỗ” (!?)

(PLO) - Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), đăng ký thương hiệu thực phẩm được doanh nghiệp (DN) quan tâm và tiến hành từ rất sớm, tuy nhiên phần lớn các DN đăng ký xong rồi… “để đấy” mà chưa quan tâm đến việc khai thác thế mạnh từ việc đăng ký thương hiệu.
Suốt 10 năm qua, thực phẩm sạch “Bác Tôm” tự xây dựng thương hiệu mà không biết đến vai trò của Cục QLTT

Doanh nghiệp loay hoay, cơ quan quản lý lúng túng

Tại một cuộc tọa đàm mới đây do Báo Diễn đàn DN tổ chức, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2013, Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng chương trình thương hiệu quốc gia, trong đó thương hiệu thực phẩm là một nhánh của chương trình này và bắt đầu triển khai từ năm 2016.

Theo đại diện Cục XTTM,  thực phẩm Việt Nam là ngành có tiềm năng lớn, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm chiếm tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu và liên tục tăng trong nhiều năm. “Tuy nhiên, người tiêu dùng nước ngoài chưa có nhiều khái niệm về các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Bởi chúng ta xuất khẩu hiện qua trung gian là một thương hiệu nước ngoài hoặc chỉ xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô, khiến giá trị và tầm vóc của sản phẩm Việt Nam chưa cao…” - ông Chiến thừa nhận và cho rằng nguyên nhân cũng do hầu hết các DN thực phẩm nông sản chủ yếu là DN nhỏ và vừa với điều kiện còn hạn chế nên khó khăn trong phát triển thương hiệu. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng chưa cao, thị trường của các nước phát triển như châu Âu, châu Mỹ lại có yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh của DN vướng mắc về các lô hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính bị trả về như thị trường Nhật, châu Âu. Như vậy, có thể thấy quy định ngày càng thắt chặt mà DN lại chưa quan tâm đúng mực. Nhiều DN hàng sang tới nơi lại bị trả về vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật” - ông Chiến nói.

Trong khi đó, về phía DN, ông Lê Hồng Công, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch “Bác Tôm” thẳng thắn: “Trong 10 năm kinh doanh thực phẩm sạch, chúng tôi chủ yếu tiếp xúc với các hiệp hội ngành hàng, còn với Cục XTTM hầu như chúng tôi không biết thông tin về xây dựng thương hiệu thực phẩm và nếu có biết thì DN cũng chưa biết sử dụng. DN tôi, ngoài việc cạnh tranh trong ngành thực phẩm thì áp lực trong cạnh tranh với các DN ngoài cũng rất lớn. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta phải suy nghĩ lại và phải làm cùng nhau”.

Làm cùng nhau…

Bàn về câu chuyện xây dựng thương hiệu thực phẩm, ông Lê Tất Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục SHTT) cho biết, việc đăng ký thương hiệu thực phẩm được DN quan tâm và tiến hành từ rất sớm. Hàng năm có hàng nghìn DN đăng ký thương hiệu.  Từ năm 2015 trở lại đây, Chính phủ đã ban hành chương trình hỗ trợ DN phát triển đặc sản trí tuệ, tập trung vào các đặc sản địa phương bao gồm trái cây, đồ uống… Gần đây nhiều thương hiệu mạnh liên quan đến thực phẩm được phát triển nhiều như cam, đồ uống, nước mắm… đồ chấm được chú trọng nhiều. 

“Tuy nhiên, các DN chỉ tập trung đăng ký nhiều hơn mà chưa quan tâm đến việc khai thác thế mạnh từ việc đăng ký thương hiệu. Sau khi đăng ký, nhiều DN vẫn còn loay hoay trong việc sử dụng thương hiệu, công tác quản lý chưa tốt, chất lượng sản phẩm không đồng đều…” - ông Chiến nhận xét.

Đại diện Cục SHTT cũng chỉ ra một loạt hạn chế như: Đặc sản địa phương hiện đang bị mai một dần do quản lý chưa tốt; Việc phối hợp đồng thuận giữa người dân và DN tại địa phương tạo ra thương hiệu mạnh vẫn ở mức độ yếu… Vì vậy, ông Chiến đề xuất: “Cần DN đầu tàu, chủ lực cho 1 lĩnh vực ngành hàng để đẩy mạnh các DN nhỏ chú trọng hơn trong câu chuyện tận dụng thế mạnh từ việc đăng ký thương hiệu”. 

Bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhà nước và DN “làm cùng nhau”, ông Lê Hồng Công cho biết: “Bác Tôm” chưa từng tham gia lớp đào tạo nào bởi DN không có thông tin. “Giờ DN mong muốn có một cổng thông tin chung để nhận và chia sẻ thông tin, qua đó có thể tham gia vào các lớp đào tạo…” - DN này đề nghị.

Đồng tình với quan điểm của đại diện Cục SHTT, bà Vũ Hoài Thu - Giám đốc Ideal Foods Việt Nam cũng cho rằng, đa phần các DN thực phẩm đã có ý thức xây dựng thương hiệu nhưng chưa khai thác được. Do đó, muốn khai thác hiệu quả cần giúp DN tăng sự hiểu biết và đồng bộ trong hành động.

Để xây dựng tốt thương hiệu thực phẩm Việt cần đi từ các DN, song hạn chế của cá nhân DN và các DN nhỏ và vừa trong việc xây dựng thương hiệu là các chủ DN chưa có sự hiểu biết xác đáng về việc xây dựng thương hiệu. Vẫn còn tình trạng mơ hồ, chưa triển khai được từ mong muốn thành hành động cụ thể.

Vì thế, bà Thu chỉ ra thêm: “Mặt khác, các chi phí cho xây dựng thương hiệu chưa được các DN nhỏ và vừa coi là các khoản đầu tư. Mà khi chỉ là những chi phí đơn thuần thì các DN hoàn toàn có thể cắt giảm và dẫn đến việc thương hiệu chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, muốn xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm vóc quốc gia hay lớn hơn là trong khu vực cần có sự tập hợp sức mạnh từ phía DN và Nhà nước…”.

Đọc thêm