Văn hóa & Pháp luật

Xây dựng ý thức pháp luật qua văn hóa giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với thực trạng giao thông tại Việt Nam, đã có biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm chỉ bởi một lần vượt đèn đỏ, lái xe sau khi uống rượu bia, lấn tuyến, lấn làn, đi ngược chiều,… Hậu quả để lại không chỉ là người mất, tật mang mà còn là nỗi đau khổ của rất nhiều gia đình.
Hành động đơn giản như đi đúng làn đường ô tô, xe máy góp phần giảm thiểu ùn tắc, nguy cơ tai nạn.
Hành động đơn giản như đi đúng làn đường ô tô, xe máy góp phần giảm thiểu ùn tắc, nguy cơ tai nạn.

Chính vì vậy, văn hóa giao thông nói chung, văn hóa giao thông đường bộ nói riêng, là một trong những vấn đề nổi cộm của những năm gần đây. Bởi lẽ, chỉ cần mỗi người dân tự giác chấp hành pháp luật hơn, xã hội có thể tránh được nhiều cái chết oan nghiệt, tai nạn thảm khốc.

“Thước đo” của sự văn minh

Văn hóa giao thông tất nhiên cũng là một biểu hiện của văn hóa nói chung, là một trong những thước đo của một xã hội văn minh, phát triển. Chính vì thế, “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là chủ đề của Năm An toàn giao thông (ATGT) 2022. Trên tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, bao gồm: Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả.

Nhìn rộng hơn, xây dựng văn hóa giao thông chính là câu chuyện xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật. Những năm gần đây, văn hóa giao thông được nhắc tới rất nhiều nhưng để hiểu thực sự văn hóa giao thông là gì thì phần lớn người dân còn rất mù mờ. Có người nói rằng người tham gia giao thông có văn hoá là người tuân thủ các luật lệ giao thông; người khác lại bảo rằng đó là cách ứng xử, giao tiếp văn minh của mọi người khi cùng lưu thông trên đường.

Tất nhiên có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, tuy nhiên trong đó, theo Ủy ban ATGT Quốc gia thì văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”. Như vậy, trong văn hóa giao thông có 3 tiêu chí. Một là, về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT. Hai là, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Ba là, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Còn theo Bộ tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 9 tiêu chí chung gồm: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; Đi đúng làn đường, phần đường quy định; Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; Có ý thức văn hóa xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.

Trên thực tế, các vi phạm giao thông thường gặp ở Việt Nam có nhiều vấn đề phức tạp và khó giải quyết dứt điểm như không tuân thủ luật lệ giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tổ chức đua xe trái phép… những vi phạm này đi ngược lại với các tiêu chí của tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ trong phần chung như: tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, đi đúng làn đường, phần đường quy định; không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, cả các tiêu chí trong phần riêng đặc biệt là trong các phần như: đối với cư dân sinh sống ven đường giao thông, đối với chủ phương tiện tham gia giao thông, đối với người tham gia giao thông…

Nguyên nhân hàng đầu chính là ý thức chấp hành luật ATGT của người dân, người tham gia giao thông ý thức còn thấp. Theo một thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Nguyên nhân tiếp theo chính là sự yếu kém trong công tác quy hoạch, khâu quản lý, điều hành giao thông chưa tốt hoặc còn nhiều điều bất hợp lý, chưa năng động, sáng tạo, chưa đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của thực tiễn. Các nguyên nhân quan trọng khác là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và thực tế; công tác đào tạo, phổ biến, giáo dục chưa đạt hiệu quả cao.

Tắc đường liên miên trong các đô thị hầu hết do ý thức người dân chưa tốt, ai cũng cho rằng “đường là của mình”.

Tắc đường liên miên trong các đô thị hầu hết do ý thức người dân chưa tốt, ai cũng cho rằng “đường là của mình”.

Cần chấn chỉnh ngay từ bây giờ

Xây dựng văn hóa giao thông là một nhiệm vụ cấp bách trong điều kiện nước ta đang phục hồi sau đại dịch và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Khi nhìn vào bức tranh giao thông, bạn bè quốc tế có thể thấy được hình ảnh con người và đất nước Việt Nam. Văn hóa giao thông còn thiếu và yếu chính là một trong những yếu tố hàng đầu khiến rất nhiều du khách quốc tế “ngán ngẩm” khi đặt chân tới Việt Nam, cũng như khiến họ “ái ngại” khi được hỏi có muốn quay trở lại hay không.

Trong giao thông đường bộ, người có văn hóa giao thông chính là tự giác chấp hành đúng và gương mẫu đối với Luật Giao thông đường bộ. Như vậy, có thể thấy, các hành vi ứng xử văn minh trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu. Tiếp theo mới đến việc thực thi đúng pháp luật, xử lý kịp thời, mang tính răn đe đối với các vi phạm, tuyên dương các hành vi, ứng xử đẹp.

Trong đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông là yếu tố quan trọng và quyết định trong việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Bởi không thể chờ người dân tự thay đổi ý thức trước mà chính lực lượng thực thi nhiệm vụ phải tuân thủ pháp luật để làm gương cho nhân dân, tiếp đó là đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đặc biệt cần nghiêm trị những lỗi phổ biến như vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường; phát hiện, xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông... để tránh tái phạm và răn đe những người khác.

Mặt khác, để người tham gia giao thông có thái độ ứng xử chuẩn mực, văn minh, lịch sự thì công tác truyền thông, phổ biến pháp luật cho người dân cực kỳ quan trọng. Công tác này cần gắn với đặc thù của mỗi địa phương, đơn vị, của từng nhóm đối tượng là thanh niên, công nhân, người lao động, công chức tổ chức phổ biến, xây dựng văn hóa giao thông… Từ đó, có cách thức xây dựng chương trình, tuyên truyền phổ biến văn hóa giao thông phù hợp với điều kiện cụ thể về nhận thức, công việc, thời gian của từng đối tượng, đưa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông đi vào thực chất...

Nhìn chung, xây dựng văn hóa giao thông cũng không chỉ là câu chuyện ngắn hạn trong vài năm hay vài thế hệ mà là một quá trình liên tục và không ngừng nghỉ. Khi xã hội tạo thành thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng. Hiệu quả trước mắt chính là hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn, xa rộng hơn là nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Đọc thêm