Xe chở hàng ách tắc tại cửa ngõ Thủ đô: Cách nào khắc phục?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những ngày qua, không chỉ xảy ra tình trạng ách tắc các xe chở hàng hóa tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ở cửa ngõ Hà Nội mà việc đăng ký “luồng xanh” với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có lúc ùn ứ với lượng hồ sơ gửi về khổng lồ.
Phương tiện ùn tắc tại Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Phương tiện ùn tắc tại Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tắc trên quốc lộ, tắc đăng ký “luồng xanh”

TP Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ 6h sáng ngày 24/7, đồng thời lập 22 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô, chỉ những xe thuộc diện ưu tiên mới được đi lại. Đồng thời Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội công bố “luồng xanh” để những xe thuộc diện ưu tiên được di chuyển.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với những xe chở hàng hóa thiết yếu, nếu chưa có Giấy nhận diện phương tiện trên “luồng xanh” thì tại các chốt kiểm dịch buộc phải dừng xe để thực hiện thủ tục kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 và chỉ được tiếp tục lưu thông nếu đáp ứng đầy đủ các quy định phòng chống dịch với lái xe, nhân viên đi cùng (có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2 trong vòng 72 giờ). Nếu đã có Giấy nhận diện phương tiện “luồng xanh” thì được lưu hành mà không cần phải dừng kiểm tra.

Về lý thuyết là vậy nhưng quá trình lưu thông, doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Thực tế, tại các chốt cửa ngõ Thủ đô, xe chở hàng hóa ách tắc nhiều giờ đồng hồ. Theo ông Quốc Anh (Công ty Thương mại dịch vụ vận tải Quốc Tuấn – Sóc Sơn, Hà Nội), DN ông có 30 xe vận chuyển bưu chính từ Hà Nội đi các tỉnh, quá trình vận chuyển hàng hóa, bưu kiện mấy ngày qua gặp nhiều khó khăn. “Có xe đi qua được hai chốt rồi thì đến chốt thứ 3 lực lượng chức năng không cho qua do mỗi địa phương lại có cách xử lí khác nhau”, ông Quốc Anh nói.

Người này cho biết thêm, DN của ông đã đến Sở GTVT Hà Nội đăng ký nhận diện “luồng xanh” từ tối Thứ Sáu, tức 23/7 nhưng đến nay chỉ được cấp 2 xe, còn hàng chục xe chưa được cấp. Nhiều DN khác cũng phản ánh việc đăng ký xe “luồng xanh” gặp nhiều khó khăn, chậm trễ.

Theo tìm hiểu của PV, hiện đang có hàng nghìn DN vẫn đang chờ đăng ký “luồng xanh” với Sở GTVT Hà Nội. Theo lãnh đạo Sở này, sau khi Hà Nội công bố hệ thống “luồng xanh”, nhiều DN đã đến đăng ký. Tuy nhiên, việc cấp thẻ “luồng xanh” tốn khá nhiều thời gian do phải xem xét, thẩm định hồ sơ DN. Nhiều trường hợp DN khai báo sai bị trả lại. Đến đầu giờ sáng qua (26/7) đã có hơn 10.000 hồ sơ gửi về Sở GTVT Hà Nội xin cấp thẻ, tuy nhiên mỗi ngày đơn vị này chỉ thực hiện cấp được hơn 2.000 thẻ.

Liên quan đến việc ùn tắc ở các chốt kiểm dịch, theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân liên quan đến khái niệm “hàng thiết yếu”. Hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này và chưa có văn bản cụ thể nào liệt kê đầy đủ được các mặt hàng cụ thể. “Khi DN kê khai kính xây dựng hay sản phẩm gì đó thì anh em ở chốt phải ngồi dò, ngồi đoán xem đây có phải hàng thiết yếu hay không, từ đó rất mất thời gian, gây ùn tắc”, vị này nói và cho biết, qua quá trình đối chiếu, đã có hàng nghìn hồ sơ DN khai không đúng phải trả lại.

Tổng cục Đường bộ vào cuộc

Để khắc phục tình trạng trên, tạo điều kiện cho DN dễ đăng ký “luồng xanh”, ngày 26/7 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ra Văn bản 5223/TCĐBVN-VT gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code. Theo văn bản này, các DN sẽ được tự khai bằng cách tích vào bảng là xe chở hàng thiết yếu gì. “DN tự chịu trách nhiệm về việc kê khai này, khi đó thủ tục đăng ký “luồng xanh” sẽ nhanh gọn, đồng thời, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện công tác hậu kiểm, như thanh tra quản lý thị trường, thanh tra Bộ Công Thương sẽ đi kiểm tra đột xuất xem DN khai đúng hay không”, một cán bộ trong tổ soạn thảo văn bản nói trên cho hay.

Cũng theo cán bộ trên, hiện nay có tình trạng, các tỉnh lân cận Hà Nội không thực hiện Chỉ thị 16 nhưng DN từ Hà Nội muốn chở hàng qua địa phương đó mà không phải hàng thiết yếu nhưng là hàng phục vụ sản xuất, hoặc xe hàng hóa các tỉnh khác muốn lưu thông với nhau nhưng phải qua Hà Nội. Trong văn bản hướng dẫn mới của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho phép các xe trên được hoạt động.

“Đơn vị đăng ký Giấy nhận diện phương tiện lựa chọn một trong các đối tượng vận chuyển phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin đã kê khai khi đăng ký, đồng thời thực hiện theo đúng các nội dung đã đăng ký; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế”, Văn bản 5223 của Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Theo đánh giá, với việc thay đổi các quy định như trên, tình trạng ách tắc ở cửa ngõ Hà Nội sẽ giảm trong thời gian tới; việc cấp thẻ “luồng xanh” cho các DN cũng sẽ nhanh chóng hơn.

Đọc thêm