Xe chở 'máy chém' hoành hành phố đông bất chấp luật giao thông

(PLO) - Những chiếc xe thô sơ chở kính, tôn lớp, sắt thép “lộng hành” trên những tuyến phố, luồn lách giữa dòng người hối hả nhưng chẳng thấy các lực lượng chức năng “sờ” đến đã không còn xa lạ với người dân các TP lớn… 
Xe chở 'máy chém' hoành hành phố đông bất chấp luật giao thông

“Hung thần” trong phố thị

Chỉ cần dạo quanh những tuyến phố như La Thành, Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Xiển, Lê Duẩn… sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc xích lô chở  nhiều tấm tôn dài lê thê, xe máy kéo xe bò ở sau chở cả mấy tạ sắt, hay chiếc xe ba gác chất đầy kính… tung hoành trên nhiều tuyến phố đông đúc, khiến người tham gia giao thông đôi lúc “rợn gáy” vì những “máy chém” cứ băng băng phi giữa đường.

Anh Lê Văn Đạt (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày chứng kiến không biết bao nhiêu chuyến xe cồng kềnh như vậy qua lại trên các tuyến đường. Nhiều nhất vẫn là xe xích lô, xe ba gác, xe máy kéo.

“Có những chiếc xe chở hàng sắt hay những chồng tôn sắc lẹm như những lưỡi dao đi nghênh ngang giữa đường, nhìn mà rợn người”. Anh Đạt cho biết thêm rằng: “Thường những chiếc xe này tập trung nhiều nhất là ở các đại lý chuyên cung cấp tôn, sắt, thép, cửa hàng inox, vật liệu xây dựng… Từ đó, họ tỏa ra các tuyến đường của thành phố. Thậm chí một số xe từ các huyện, thị xã chở sắt thép cũng len lỏi vào từng con phố, ngõ nhỏ gây ra cảnh ùn tắc. Nơi có những chuyến xe mất an toàn này đi qua đều khiến người đi đường hoảng sợ”.

Anh Vũ Văn Lâm (Thanh Bình, Hà Đông) kể lại anh đã từng chứng kiến nhiều chiếc xe chở vật dụng sắt, thép sắt bén thoải mái “làm xiếc” trên đường. Không kể ở đường vắng người hay đông đúc, người điều khiển vẫn vô tư cho xe chạy. Khi qua các đoạn đường gồ ghề, nhiều ổ voi, ổ gà, những thanh sắt nhọn hoắt trên xe rung lắc, đong đưa khiến các phương tiện khác phải dạt vào lề. “Có lúc tôi thấy những chiếc xe này ngã đổ giữa đường. May mà người đi đường ai cũng cảnh giác, tránh xa từ sớm nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Mỗi lần nhìn những chiếc xe như vậy di chuyển khiếp sợ lắm, chẳng khác gì tử thần di động” – theo anh Lâm.

Nguy hiểm hơn, các loại xe thô sơ đang lưu thông ở Hà Nội hiện nay, hầu hết đều do các cá nhân tự sản xuất, thiết kế không theo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt về kiểu dáng, không đăng ký cấp biển số và cũng không được kiểm tra chất lượng theo đúng tiêu chuẩn hiện hành. Tuy nhiên, lại luôn vận chuyển những loại hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm… khiến nguy cơ mất an toàn giao thông tại những khu vực có xe này lưu thông rất lớn. Thực tế, từ đây, nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến những chiếc xe tự chế, xe chở hàng quá khổ quá tải này đã xảy ra.

Điển hình như vụ tai nạn trưa ngày 23/9, trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, cháu T.M.H (sinh năm 2007) là học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Tân Mai do mải chơi, cháu H đã va vào xe xích lô chở tôn đỗ bên lề đường khiến tôn cứa vào cổ gây tử vong. Hai ngày sau đó, tại cầu Mai Lĩnh, quận Hà Đông trưa ngày 25/9 vừa qua làm một người chết mà nguyên nhân là xe cải tiến chở tôn bị tuột dây gây ra tai nạn.

Nạn nhân là bà Bùi Thị Xuân (sinh năm 1952, quê ở Yên Hòa, Hòa Bình) đã tử vong trên đường ra bệnh viện do bị tấm tôn sắt nhọn bị rơi đã cứa trúng cổ. Mới đây nhất, ngày 28/9, trước cổng Sân vận động Mỹ Đình, nữ sinh Hoàng Thúy Mỹ, 19 tuổi đang điều khiển xe đạp điện đã va chạm với xe ba bánh (gắn lô gô “thương binh”) chở hàng cồng kềnh, do lái xe tên Trần Văn Thắng (46 tuổi) điều khiển. Hậu quả, nữ sinh và người lái xe ba bánh bị thương nặng. Chiếc xe chở hàng bị lật giữa đường, gây ùn tắc giao thông.

Tại TP HCM, cũng diễn ra tình trạng tương tự, tuy nhiên tập trung ở các khu trung tâm thành phố nhưng ở các quận, huyện ngoại thành. Có thể kể đến như vụ tai nạn giữa anh Nguyễn Thái Chương (40 tuổi, quê Bình Định) với chiếc xe gắn máy chở hàng cồng kềnh trước số nhà 1149 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) khiến anh Chương ngã xuống đường. Đúng lúc đó, xe taxi BKS 51F-022.77 lưu thông phía sau không xử lý kịp đã cán lên người anh Chương, khiến anh bị thương nặng…

Vắng cảnh sát lại tung hoành

Ngay sau những vụ tai nạn thương tâm này, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) TP Hà Nội đã ra quân đồng loạt xử lý xe thô sơ chở cồng kềnh, quá tải, chở vật liệu xây dựng nguy hiểm trên đường phố. Hàng loạt xe ba gác đã bị lập biên bản xử phạt trên các đường Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu, Giải Phóng, Trường Chinh, Ô Chợ Dừa…

Theo quan sát của phóng viên, tại ngã tư Kim Đồng - Giải Phóng (quận Hoàng Mai) trong các ngày qua, lực lượng CSGT đã ra quân, kiểm tra, xử lý các loại xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường khác như Kim Giang, Nguyễn Xiển, Thanh Liệt, Láng, Nguyễn Trãi…, khi vắng bóng lực lượng CSGT, xe chở hàng cồng kềnh với những vật sắc nhọn đưa ra phía trước hoặc phía sau vẫn tung hoành.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Trung Thành - Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, sau hai ngày triển khai cao điểm, tuần soát, kiểm tra phát hiện tổng số 45 trường hợp xe thô sơ chở hàng cồng kềnh. Riêng ngày 27/9 là phát hiện và xử lý 42 trường hợp, trong đó có 10 trường hợp xe kéo xe. Các phương tiện này chủ yếu vi phạm lỗi kéo, chở hàng hóa vượt quy định chiều cao, chiều dài khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra các sự cố tai nạn, cản trở phương tiện khác khi tham gia giao thông. Các trường hợp này, sau đó sẽ được lực lượng chức năng yêu cầu hạ hàng hóa tại chỗ và xử lý phương tiện theo quy định.

“Mức phạt 300.000-400.000 đồng đối với những vi phạm chở hàng cồng kềnh là chưa đủ sức răn đe đối với tài xế. Tôi đề xuất tăng nặng mức phạt, tịch thu toàn bộ các phương tiện là xe cải tiến, xe phía sau xe máy kéo vi phạm để xử lý triệt để. Đối với các phương tiện xe ba gác giả thương binh, xe không đăng ký cũng tạm giữ, tịch thu sung quỹ”- ông Thành cho biết.

Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết việc xử lý xe thô sơ vẫn gặp một số vấn đề khó khăn như khi CSGT có chuyên đề xử lý và tịch thu nhiều phương tiện vi phạm, nhưng khi xử phạt một xe thì chủ xe thông báo cho nhau khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Những người vi phạm chủ yếu là người lao động chân tay, ít hiểu biết pháp luật nên hay vi phạm luật an toàn giao thông. Nguyên nhân sâu xa hơn nữa là xe thô sơ phù hợp tiện dụng khi chuyên chở cho người dân phố thị trong các phố nhỏ, ngõ nhỏ, đã tạo ra nhu cầu khiến khó hạn chế xe thô sơ hoạt động. Việc xử phạt chỉ là phần ngọn, cái gốc là kiểm soát chặt các lò chế tạo xe.

Hơn nữa, chiếc xe thô sơ tuy giá trị không cao nhưng là “cần câu cơm” của một số gia đình, vì thế việc xử lý các loại xe thô sơ phải mềm mỏng, đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được tính nhân văn, nhân đạo. “Tuy nhiên, tôi xin khẳng định rằng để xây dựng một thành phố văn minh thì không thể vận tải bằng loại hình xe thô sơ như hiện nay. Chính vì thế, các xe thô sơ nếu vi phạm thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật” - ông Thành nhấn mạnh.

Việc xử lý xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông là công tác thường xuyên, hàng ngày của lực lượng CSGT Hà Nội. Số liệu báo cáo từ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt CATP Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, đơn vị đã xử phạt 3.357 xe 3 bánh, tự đóng, tự chế, chở hàng hóa cồng kềnh, thanh lý 220 xe 3 bánh và đang làm thủ tục thanh lý tiếp 350 xe. Tuy nhiên, thực tế con số này vẫn là chưa thấm vào đâu khi hàng ngày người dân vẫn bắt gặp các phương tiện tự chế ngang nhiên chở hàng cồng kềnh trên nhiều tuyến phố của Thủ đô.

Trước tình trạng xe thô sơ gây tai nạn liên hoàn, Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe máy, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định.

Đọc thêm