Xem xét lại lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” Bệnh viện Bạch Mai

(PLVN) - Khái niệm cách ly toàn bộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đang áp dụng đối với Bệnh viện Bạch Mai cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp vì Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, lớn nhất cả nước, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nặng, rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên, cần được cứu chữa nếu không nguy cơ tử vong rất lớn.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2 sáng nay - 30/3, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định, nếu Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả dài ngày thì sẽ dẫn đến nhiều bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên sẽ mất cơ hội được cứu sống.
Theo ước tính mỗi ngày vẫn còn hàng chục bệnh nhân nặng (cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, ECMO…) cần chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ tử vong…

Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu, điều trị 

Trên cơ sở phân tích thực tế, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia cho rằng Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tính mạng, không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến Trung ương khác hay bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa. 

Vì vậy, khái niệm cách ly toàn bộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đang áp dụng đối với Bệnh viện Bạch Mai cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình Bệnh viện Bạch Mai trong cuộc họp sáng 30/3. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đối với một số bệnh nhân không nguy kịch đến tính mạng có thể chuyển sang một số cơ sở y tế tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hặc của Hà Nội như Thanh Nhàn, Saint Paul và một số bệnh viện quân đội...  
Những ca bệnh nặng, nguy kịch sẽ được Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận theo quy trình cụ thể. Trước hết, các trường hợp này sẽ được hội chẩn trực tuyến, trao đổi, thống nhất giữa Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện địa phương.

"Tất cả các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm lần đầu âm tính với SARS-CoV-2 và đang chuẩn bị xét nghiệm lần 2. Đây không phải là nguồn lây. Chúng tôi đề xuất tất cả các cán bộ y tế theo yêu cầu, đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai sẽ vào bệnh viện tham gia công tác điều trị người bệnh.

Sáng 30/3, Bệnh viện Bạch Mai phát đi thông tin về việc thành lập 2 khu bệnh viện dã chiến trong khuôn viên bệnh viện. Đây là phần kịch bản dự phòng để bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.

Tuy nhiên, việc hầu hết cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai tập trung hết trong 14 ngày thì các yêu cầu về cách ly không được đảm bảo nên cần chuẩn bị một số cơ sở lưu trú, khách sạn cho các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ ngơi, bảo đảm sức khoẻ, luân phiên thực hiện nhiệm vụ trong bệnh viện", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói. 

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng đề nghị địa phương tiếp tục quyết liệt truy vết các trường hợp nghi ngờ để cách ly, xét nghiệm, điều trị theo quy định.

Bên cạnh đó, cần triển khai những biện pháp để ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh như: Xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm răn đe, giáo dục, công bằng; trao đổi thông tin về những đối tượng khai báo y tế gian dối, có thể gây nguy hiểm cho xã hội;...

Thông tin về việc sản xuất khẩu trang, thiết bị bảo hộ y tế cho chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện chúng ta cũng đang sản xuất bộ quần áo bảo hộ với chất lượng tương đương nhập khẩu. 

Ngoài ra, các cơ quan khoa học, y tế cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn tập trung nghiên cứu, sản xuất máy thở để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Dù bị phong tỏa, cách ly, nhưng Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang nỗ lực hết sức

Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khi Bệnh viện đang ở ngày thứ 2 thực hiện cách ly toàn bộ bệnh viện, theo chủ trương “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Theo ông Tuấn, Bệnh viện vẫn ổn, tinh thần của các y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn rất vững vàng, không có ai nao núng.

Đặc biệt, dù bị cách ly, nhưng nhân viên y tế của Bệnh viện vẫn đang nỗ lực hết sức. Bệnh nhân yên tâm điều trị, được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện.

Hiện các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện vẫn đang nỗ lực ngày đêm với quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh, mà còn không để bệnh nhân bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo.

“Chúng tôi luôn quyết tâm và vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc bệnh nhân, chăm sóc mọi người, vượt qua đại dịch này. Chúng tôi cũng như tất cả mọi người, mong muốn nhận được sự sẻ chia từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân và xã hội.

Bệnh viện cũng rất vui mừng khi kết quả xét nghiệm của hơn 3.500 nhân viên y tế đều âm tính. Điều đó cho thấy các bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động của bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm”, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.

Hiện đang có hơn 1.300 người bệnh nặng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Do người nhầ bệnh nhân đã phải đi cách ly và Bệnh viện bị phong tỏa nên các y, bác sĩ và nhân viên y tế vừa bảo đảm chăm sóc cho người bệnh, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch và giữ sức khỏe cho chính bản thân mình.

Cùng với đó, 3.500 người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Bệnh viện phải cấp mọi vật dụng (từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng...) cho bệnh nhân. Vì thế, Bệnh viện đã đề nghị Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và các ban, ngành có các giải pháp cùng hỗ trợ.

Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi cả nước chung sức, chung lòng ủng hộ đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch vững tin, dũng cảm và ấm lòng; không kỳ thị nhân viên y tế và người nhà.
Các địa phương cần bố trí khu vực riêng phục vụ nhân viên y tế và các lực lượng phòng, chống dịch cách ly, nghỉ ngơi, bảo đảm sức khoẻ trong giai đoạn căng thẳng này.

Đọc thêm