Chăn nuôi nhỏ lẻ phải liên kết
Thông tin tại Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Phạm Kim Đăng cho biết, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp (DN) là trung tâm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, ông Tạ Văn Tường cho biết, thành phố có thuận lợi khi tới 58,6% là diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang thu hẹp diện tích chăn nuôi, quy hoạch đất nông nghiệp nhiều còn hạn chế. Tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 54% khiến nguy cơ dịch bệnh lớn.
"Thời gian qua, chúng tôi phát hiện có những nơi mà người ta chăn nuôi lợn trong nhà tập thể 5 tầng. Hay là có những nơi, di chuyển lợn trong thang máy chung cư. Rất không an toàn" - ông Tường chia sẻ.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo hành lang pháp lý về tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho cơ sở, HTX, DN phát triển chăn nuôi quy mô lớn.
“Do đó số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm…” - ông Đăng nhận định.
Mặc dù vậy, Lãnh đạo Cục Chăn nuôi thừa nhận, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay.
“Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với DN. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với du lịch…” - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi gợi mở.
Tiệm cận xu hướng chăn nuôi mới
Theo Lãnh đạo Cục Chăn nuôi, ngành Chăn nuôi trên toàn thế giới đã và đang có nhiều biến động, được dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
“Đối với chăn nuôi lợn đang có những xu thế mới và một số xu thế này đang và sẽ ảnh hưởng đến cách thức tiếp cận của Việt Nam...” - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho hay.
Trang trại chăn nuôi lợn 26 tầng của công ty Trung Tân Khai Duy ở ngoại ô thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. (Theo Guardian) |
Các xu hướng chăn nuôi lợn đã và đang được triển khai trên thế giới như: Tăng cường an toàn sinh học; Áp dụng công nghệ chính xác; Áp dụng chăn nuôi hữu cơ; Giảm phát thải, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn; Không sử dụng kháng sinh (và không có ZnO); Không gian cho lợn nái; Tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác thay thế cho đậu nành; Chuyển đổi số và truyền thông xã hội; Đặc biệt là xu hướng sử dụng nhà nhiều tầng trong chăn nuôi…
Theo Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng, giải pháp chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 và chủ yếu được áp dụng ở Trung Quốc.
Tính đến nay, tại Trung Quốc đã có khoảng 1.830 dự án với 4.282 tòa nhà cao tầng chăn nuôi lợn. Điển hình là các Tổ hợp chăn nuôi lợn của công ty Yangxiang, Khu phức hợp chăn nuôi lợn của Hubei Zhongxin Kaiwei Modern Animal Husbandry… Nhà tầng nuôi lợn cao nhất cho đến nay đã đạt 26 tầng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiệu quả chăn nuôi lợn nhà cao tầng thì Trung Quốc đã làm từ lâu rồi, chúng ta đất chật, cùng với các quy định về khoảng cách trong chăn nuôi cũng cần phải tính đến xu hướng này.
Được biết, hồi tháng 5 vừa qua, Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc báo cáo đề xuất phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng.
Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa về đề xuất này.
Theo Cục Chăn nuôi, chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu, trong đó đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2021, số lượng đàn lớn của nước ta là 23,2 triệu con, năm 2022 là 24,68 triệu con. Chăn nuôi lợn tập trung nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 23,2-23,8%), tiếp đó là vùng Đồng bằng Sông Hồng (19,5-20,6%), những năm gần đây, vùng Đông Nam Bộ đang phát triển chăn nuôi lợn với tỷ trọng chiếm khoảng 20%.