Xem xét sửa đổi, bổ sung các dự án luật về tổ chức

(PLO) -Hôm qua (16/1), Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo việc chuẩn bị Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018. 
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị xem xét các dự án về tổ chức

Cùng dự có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, lãnh đạo các đơn vị xây dựng pháp luật, các đơn vị thuộc Bộ có dự án và Viện Khoa học pháp lý.

Bổ sung nhiều dự án vào Chương trình

Điểm lại một số công việc đã thực hiện, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo, so với yêu cầu thì các bộ, ngành gửi đề xuất còn chậm, chủ yếu vào cuối tháng 12/2017 và tháng 1/2018, trong khi Bộ Tư pháp đã có Công văn hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc từ tháng 4/2017. Tính đến ngày 8/1/2018, các bộ, ngành đề nghị đưa 24 dự án luật vào Chương trình năm 2019 và đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2018 đối với 14 dự án luật.

Cụ thể, 2 dự án lùi thời hạn trình, rút ra khỏi Chương trình; 2 dự án gối từ Chương trình 2018 sang theo Nghị quyết số 34/2017/QH14; 1 dự án được chuyển từ Chương trình 2017 sang; 6 đề nghị đã được Chính phủ thông qua và đã gửi hồ sơ sang Bộ Tư pháp để tổng hợp; 4 đề nghị đã được Chính phủ thông qua, chưa gửi Bộ Tư pháp tổng hợp; 9 đề nghị đã được Bộ Tư pháp thẩm định, đang chỉnh lý để trình Chính phủ thông qua tại phiên họp tháng 1/2018; 4 đề nghị đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định; 2 đề nghị đã gửi lấy ý kiến và 2 đề nghị đang được lập hồ sơ.

Trong các nguyên tắc được Vụ báo cáo, có nguyên tắc ưu tiên bổ sung vào Chương trình 2018, đưa vào Chương trình 2019 các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 và Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Bên cạnh đó là nguyên tắc ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch.

Về Chương trình 2019, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, dự kiến Đề nghị của Chính phủ về Chương trình 2019 gồm 20 dự án. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV dự kiến thông qua 4 dự án, cho ý kiến 11 dự án; tại Kỳ họp thứ 8 dự kiến thông qua 12 dự án, cho ý kiến 4 dự án. Còn Chương trình 2018, dự kiến điều chỉnh 11 dự án, trong đó rút khỏi Chương trình 1 dự án, lùi thời hạn trình 1 dự án, bổ sung 9 dự án. Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án luật thuộc Chương trình 2018 sẽ là 28 dự án, tăng lên 6 dự án. Trước lo ngại về việc tăng thêm này, ông Tuyến cho biết con số trên là tương đương với các năm 2016, 2017 nên có thể đảm bảo tính khả thi của Chương trình. Tuy nhiên, một số đề xuất đang có ý kiến khác nhau. 

Không để tình trạng “hạ cánh an toàn”

Tại cuộc họp, các đơn vị thuộc Bộ cũng báo cáo tình hình chuẩn bị các đề xuất của mình như đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề hết sức bức xúc. Ông nhận thấy một số dự án không đề nghị như báo cáo nêu trên song cần phải có theo chỉ đạo của Đảng nên đề nghị Vụ Các vấn đề chung đôn đốc Bộ Nội vụ, đồng thời có dự án không xác định được phạm vi điều chỉnh thì chưa đưa vào Chương trình như đề nghị về dự án Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo Thứ trưởng, việc sửa đổi, bổ sung vừa là theo chỉ đạo của Chính phủ vừa là để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc thực tiễn đã phát sinh. Còn Luật Lý lịch tư pháp cần bám sát tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự. Bàn về một số đề xuất cụ thể của các bộ, ngành, Thứ trưởng Hiếu cho rằng cần ưu tiên sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu rà soát lại kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Đảng về bộ máy, biên chế để xem xét đối với các dự án luật về tổ chức. Riêng Luật Cán bộ, công chức, Bộ trưởng nhấn mạnh tính cấp thiết của dự án khi thực tiễn đã có hàng loạt vụ cán bộ về hưu không thể “hạ cánh an toàn”. Với một số dự án đề xuất của Bộ Y tế, Bộ trưởng cũng đề nghị tính toán thêm về dự án Luật Chuyển đổi giới tính và nhất trí cho rằng dự án Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật chưa đủ điều kiện đưa vào Chương trình…

Đọc thêm