Thế nhưng trước các vụ việc rò rỉ thông tin, chẩn đoán nhầm gây ảnh hưởng lớn đến cá nhân người xét nghiệm cũng như gia đình họ thì nhiều người còn băn khoăn.
Người bệnh bước đầu đã đón nhận
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính năm 2017, cả nước có khoảng 9.800 người nhiễm HIV mới được phát hiện và có khoảng 1.900 người nhiễm HIV tử vong. Đáng chú ý, tình hình dịch HIV/AIDS trong năm 2017 đều giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2016: số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 1,1%; số bệnh nhân AIDS giảm 39%; người nhiễm HIV tử vong giảm 10%. Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, song việc phòng chống “đại dịch” này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức không nhỏ.
Thực tế hiện nay, nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Theo ước tính, Việt Nam hiện còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV. Họ sẽ có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng; đồng nghĩa với việc họ cũng không được tiếp cận với các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và giảm lây truyền ra cộng đồng.
Những đối tượng bị nhiễm và có nguy cơ cao nhiễm HIV (người nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm, quan hệ đồng tính) thường mang tâm lý mặc cảm, sợ bị kỳ thị, cô lập. Việc xét nghiệm với họ như là cực hình bởi tình trạng bệnh của mình sẽ bị “phơi bày”. Hơn nữa, việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế hiện nay không thuận lợi bởi sự phân biệt đối xử, thời gian chờ đợi lâu, chi phí đi lại tốn kém… Đây là những rào cản khiến nhiều người bị nhiễm HIV bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với các dịch vụ điều trị. Từ thực tiễn này, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường triển khai thí điểm mô hình xét nghiệm HIV/AIDS tại cộng đồng ở các tỉnh được lựa chọn.
Theo báo cáo, cả nước có khoảng hơn 1.000 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV. Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, người có nhu cầu xét nghiệm HIV có thể tự thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng, … Trái với những lo lắng ban đầu, sợ rằng người dân không muốn xét nghiệm, điều trị HIV tại ngay địa bàn mình đang sinh sống, trên thực tế kể từ khi triển khai đến nay, hầu hết người bệnh đã đưa ra những phản hồi tích cực về mô hình này. Theo đó, mô hình này giúp đưa chương trình xét nghiệm HIV/AIDS, các dịch vụ dự phòng, chăm sóc tới cộng đồng, đặc biệt là ở tuyến xã vùng sâu, vùng xa, nơi kinh tế khó khăn. Qua đó, các cơ sở y tế sớm phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời cho người bệnh.
Hiện nay, mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã được đưa vào Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ sự tham gia tích cực của nhân viên xét nghiệm cộng đồng cùng việc tuyên truyền mở rộng, số lượng người thuộc nhóm có nguy cơ cao đã tự nguyện tham gia xét nghiệm HIV/AIDS. Một người bị nhiễm HIV chia sẻ: “Tôi thích sự thuận tiện của dịch vụ xét nghiệm tại cộng đồng và nó hoàn toàn bảo mật. Tôi có thể biết được tình trạng của mình nhanh hơn và được tư vấn nhiệt tình, thuận tiện hơn rất nhiều chứ không mất nhiều thời gian, công sức đi lại như trước kia nữa”.
Độ chính xác và bảo mật thông tin rất cao nếu được tập huấn đúng
Theo các chuyên gia, “nhiễm HIV/AIDS đồng nghĩa với nhận bản án tử hình” vốn là quan niệm vẫn còn đeo đẳng và ám ảnh mọi người. Chính vì sự khắc nghiệt này mà quy trình chẩn đoán đòi hỏi tính chính xác rất cao. Chẩn đoán một người nhiễm HIV không được dựa vào các biểu hiện hay triệu chứng mà phải dựa trên kết quả xét nghiệm. Trên thế giới thi thoảng có báo cáo một vài trường hợp trả kết quả xét nghiệm sai, song tỷ lệ rất thấp so với tổng số ca xét nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: “Với mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng, mọi người nếu muốn đều có thể được làm xét nghiệm rất thuận tiện. Khi có kết quả nghi ngờ nhiễm HIV, phải được khẳng định kết quả tại phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận và lúc đó sẽ điều trị bằng thuốc kháng virus”.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung - Cố vấn Mạng lưới Cộng đồng & Điều phối Dự án QTC Phòng, chống HIV- Dự án VUSTA, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) chia sẻ: “Trên thực tế, người có HIV vẫn bị kì thị và phân biệt đối xử. Nếu hàng xóm láng giềng, người trong cơ quan biết tình trạng bệnh của bệnh nhân có HIV, thì không tránh khỏi những khó khăn, kì thị trong giao tiếp xã hội, công việc. Do đó, thực tế rất ít bệnh nhân làm xét nghiệm và điều trị tại địa phương, mà thường đến các địa bàn khác do lo ngại vấn đề về lộ thông tin cá nhân. Vì thế, mục đích của việc đưa xét nghiệm HIV về địa phương có thể tốt về mặt địa lý, nhưng về các vấn đề xã hội, lại gặp nhiều trở ngại. Nếu không bảo mật thông tin bệnh nhân, thì cách làm này có thể sẽ rất lãng phí và không phù hợp. Về tính chính xác, nếu các cán bộ y tế được tập huấn đúng và sử dụng đúng mẫu sinh phẩm thì độ chính xác là rất cao”.
Hiện nay, các tổ chức cộng đồng đã bắt đầu tham gia vào việc xét nghiệm HIV không chuyên tại cộng đồng, cách thức xét nghiệm này có chế độ bảo mật thông tin, dễ tư vấn, dễ tiếp cận (do là các nhóm đồng đẳng tiếp cận, họ đã có mạng lưới sẵn, và không kì thị phân biệt đối xử nên cũng dễ tư vấn hơn), giảm chi phí đầu tư trang thiết bị… Chị Nguyễn Thị Thủy (Trưởng nhóm Nơi bình yên) cho biết: “Nhóm tôi vẫn thường làm các xét nghiệm HIV cho các khách hàng, nhược điểm chưa thấy nhưng ưu điểm thì nhận được rất nhiều. Rất tiện lợi cho khách hàng, cho nhóm, nếu khách hàng không thể đến nhóm làm xét nghiệm thì thành viên trong nhóm sẽ đến tận nơi làm xét nghiệm cho khách và tính tin tưởng, bảo mật luôn được coi trọng. Nếu họ ngại đến trung tâm y tế thì họ đến nhóm sẽ rất thoải mái, không ngại bị người khác biết và bị kỳ thị. Chúng tôi trải qua các khóa tập huấn, nếu thực hành tốt sau đó được cấp chứng chỉ. Trong một năm qua, tôi từng làm xét nghiệm cho rất nhiều khách hàng nhưng trường hợp xét nghiệm ra kết quả có phản ứng đưa họ đi làm khẳng định lại âm tính thì chưa gặp trường hợp nào, do đó độ chính xác là rất cao. Trong 1 năm qua, nhóm tôi làm xét nghiệm cho khoảng 400 -500 người trong đó có khoảng 4 -5 ca có phản ứng và đưa vào chương trình để điều trị trong đó cũng có một số khách hàng làm xét nghiệm có phản ứng nhưng chưa đưa được vào chương trình”.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung - Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI): “Triển khai xét nghiệm HIV ở các cấp xã phường sẽ giảm tải cho các cơ sở xét nghiệm ở cấp huyện/quận hoặc các cấp khác, người bệnh dễ tiếp cận vì được xét nghiệm tại địa phương nơi họ sinh sống. Cách làm này sẽ triệt để hơn nếu tất cả các cán bộ y tế đều được tập huấn bài bản và đầy đủ về kỹ năng làm việc với người sống chung với HIV, hoặc các nhóm cộng đồng có nguy cơ cao, để có thái độ thân thiện với bệnh nhân, tránh thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử”.
Chị Vân Hà - Nhóm Cát Trắng (nhóm đồng đẳng của người sử dụng ma túy, hỗ trợ người có HIV tại Long Biên, Hà Nội): “Tính bảo mật thông tin là vấn đề quan trọng nhất ở đây, chắc chắn những người có nguy cơ cao và ở ngay tại xã, phường sẽ không muốn nhận dịch vụ này dù là miễn phí. Bởi cán bộ y tế toàn là người quen biết ở địa phương, liệu ai dám tin rằng thông tin sẽ được giữ bí mật. Có chăng là người từ phường, xã này đến phường, xã kia để nhận dịch vụ mà thôi. Tính chính xác thì rất cao vì sinh phẩm này có độ nhạy và rất chính xác. Thời gian chờ đợi để được đọc kết quả cũng nhanh, thuận tiện cho người muốn kiểm tra tình trạng của mình”.