“Xin hãy tử tế đến tận cùng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày này, nhiều Youtuber, người có điều kiện quyên góp - sống ở Sài Gòn đã chia sẻ khó khăn với những người nghèo khó hơn bằng những suất cơm, tấm bánh thiết thực. Thế nhưng, trái với đi từ thiện là trao yêu thương, trao nụ cười, trao tấm lòng thơm thảo, nghĩa đồng bào thì một số Youtuber khiến dư luận sững sờ, không tin vào mắt mình khi có những lời lẽ phản cảm, khiếm nhã với người nhận! Nhiều người cho rằng, khi bạn chưa đặt bản thân vào vị trí người cơ nhỡ thì xin đừng đi làm thiện nguyện…
Một trong những Youtuber đi làm thiện nguyện với thái độ khiếm nhã, khiến dư luận bức xúc.
Một trong những Youtuber đi làm thiện nguyện với thái độ khiếm nhã, khiến dư luận bức xúc.

Từ thiện kiểu… bề trên!

Ngay sau những ngày giãn cách lần thứ 4 ở Sài Gòn, có ba đoạn clip quay cảnh phát cơm từ thiện tại Sài Gòn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội (MXH) gây… “sốc”. Trong đó có những câu nói khiến nhiều người phản ứng gay gắt: “Ông ơi ông kéo quần lên ông đừng gãi sồn sột thế! Ông gãi sồn sột thế nó bắn cái nọ, cái kia ra cái bàn phát cơm... Khiếp! Ông kéo cái quần lên tận bẹn sau đó ông gãi cứ sồn sột lên mà chỉ sợ nó văng cái con nọ, con kia ra. Cái bàn phát cơm của người ta là chốn linh thiêng mà ông làm không ra sao cả”. Đó là lời lẽ của người phát cơm dành cho một cụ ông cơ nhỡ tầm 80 tuổi…

“Thanh niên kia đi ra ngoài đi, không phát cơm cho em. Bụi đời không phát”; “Đi ra ngoài đi, không phát! Hai người này không phát. Không phát cho cô. Đi ra ngoài đi. Cho người có ý thức chứ không cho người không có ý thức”. “Không có cơm thì về lấy mì ăn. Không có mì sao người mập thế? Em nhìn anh phải bảy tám mươi cân đấy”…

Rong ruổi khắp thành phố phát bánh, xôi, Đức Huy và nhóm thiện nguyện nhiều lần không kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của những người nghèo, ngày ngày dựa vào đường phố mưu sinh. “Mỗi lần tặng bánh cho mọi người, tôi chẳng biết nói gì nhiều ngoài câu: “Cô chú, anh chị cầm ổ bánh mì ăn chơi! Ráng lên nha, rồi dịch sẽ sớm qua thôi!”...

Được biết, cả ba đoạn clip ngắn này đều được quay bởi chính những người phát cơm và họ chủ động đăng lên facebook. Trong một video được lan truyền, có một bà già gằm mặt trước máy quay của Youtuber tại một điểm phát cơm từ thiện khi bị Youtuber này mắng sao lấy tới 2 hộp cơm. Bà phân trần: “Cậu ơi tôi lấy cho người tàn tật, họ không tới lấy được. Không phải tui lấy cho tui!”. Anh Youtuber trẻ truy tới bến: “Cảm ơn bà, không ai tốt vậy đâu bà ơi!”.

Trong video này còn có hai người vừa đến, được cho là chen vào hàng đã bị đuổi đi. Chủ tài khoản S.G.N.N gây sốc khi nói: “Bụi đời không phát cơm, đi ra ngoài đi... Những người thiếu ý thức không bao giờ được phát cơm”. Thậm chí, người này còn gọi một bác đáng tuổi cha chú với giọng kẻ cả là “thanh niên này đi ra chỗ khác”… Và còn nữa là cảnh người xếp hàng đến lượt thì bị đuổi trong sự bẽ bàng…

Còn nữa, đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái trẻ đi làm từ thiện nhưng lại tỏ thái độ trịch thượng với hai mẹ con người phụ nữ. Cô gái liên tục mắng xối xả người mẹ trước mặt con nhỏ rằng không đeo khẩu trang (mẹ con cô bé đang ăn cơm phía trong, cô bé vội chạy ra), rằng cô bé nhận bánh phải dạy cô bé biết cảm ơn…

Mặc dù nhận được nhiều “gạch đá” nhưng trên tiktok, cô gái vẫn để lại nhiều clip phát quà bánh, chỉ xóa clip mắng xối xả, “dạy bảo” hai mẹ con cô bé, cùng với lời nhắn: Việc mình làm mình biết và không có chút động thái “hiểu chuyện” nào. Còn chủ Youtube với khá nhiều clip chê bai, “bóc mẽ” người đến nhận cơm bánh, dù đăng đàn xin lỗi vì thái độ khiếm nhã, nhưng những clip khó tin với người làm thiện nguyện đó, vẫn không làm dư luận nguôi ngoai hay “thông cảm”…

Facebooker Hoàng Nguyên Vũ bày tỏ bức xúc: “Người nghèo ở Sài Gòn, họ sơn móng tay, móng chân là bình thường. Có ai quy định là nghèo thì không được sơn móng tay, không được tô son, điểm phấn? Hay là đến nhận cơm thì phải quấn cả tạ áo rách vào người mới hài lòng các người? Rồi, cứ cho là mấy anh kia “bụi đời” đi. Thế “bụi đời” thì họ không được ăn cơm và các người được quyền làm nhục, xua đuổi rồi đăng lên mạng bêu riếu người ta thế à? Rồi đi vặn vẹo người ta, hỏi nhà không còn cơm à mà phải đi xin? Không còn cơm sao không ăn mì? Không còn gì ăn mà “sao mập thế?” Rồi tự vỗ ngực nói bàn phát cơm của mình là “chốn linh thiêng”….

Một miếng khi đói đúng là bằng một gói khi no, nhưng đã cho đi, hãy cho bằng lòng từ tâm thật sự. Giữa lúc dịch giã thiếu thốn, ai cũng giống ai thôi. Cái nghèo, cái khổ, cái khó của đồng bào là công cụ để “câu like” cho các người ư? Ai hay ho gì đi xin từng hộp cơm để bị nói trên đầu, trên cổ và bị tung lên mạng làm nhục hội đồng thế đâu? Tôi luôn trân trọng tấm lòng của những người làm từ thiện, nhất là trong mùa dịch bệnh, chắc chắn đồng bào thiếu thốn không ít. Nhưng, nhân danh từ thiện mà làm tổn thương đồng bào để “câu like” như thế, không thể chấp nhận được. Một hộp cơm có thể giúp người nghèo đỡ đói, nhưng những tổn thương kia ai sẽ gánh nổi”?...

Xin đừng bóc mẽ người nghèo

Anh Hoàng Đức Huy (sinh năm 1988), thành viên nhóm “Bánh mỳ Saigon 0 đồng”, những ngày qua anh cũng hối hả kêu gọi sự chung tay của cộng đồng đóng góp cho quỹ, vừa tìm tình nguyện viên đi “bán” những suất bánh mì, xôi 0 đồng cho những người vô gia cư, người già neo đơn, lao động đường phố, lao động mất việc gặp khó khăn…

Huy bày tỏ: “Có chút vui vì có người cùng làm một việc tốt để giúp cho người dân TP HCM bớt khó khăn, nhưng nhiều chút buồn vì những lời lẽ và quan điểm của bạn ấy”. Bởi làm từ thiện nên là sự trao gửi yêu thương chân tình, chứ không bao giờ nên là sự ban phát người trên - kẻ dưới. Bởi “cuộc đời là vô thường, vô định, không ai biết trước ngày mai như thế nào”, không vì có chút điều kiện hơn người để làm từ thiện mà lên giọng kẻ cả, trịch thượng, phán xét, bình phẩm khiếm nhã về những người đang khốn khó...

Người ta phải làm cái gì để chứng minh cái sự nghèo sự khổ của bản thân nữa khi mà người ta đã phải đứng đấy để chờ nhận phần ăn từ thiện? Hãy trao đi không chỉ một phần cơm hay chiếc bánh, mà hãy trao kèm theo đó cả một sự sẻ chia chân thành với những đồng bào đang hoạn nạn. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ai cũng cần được tôn trọng. Trên đời này có ai muốn nghèo, muốn khổ để chìa tay nhận ra cái bánh, hộp cơm? Họ đã phải dẹp lòng tự trọng của con người để nhận sự cứu giúp, đó đã là một sự khổ đau tận cùng trong thâm tâm rồi. Đừng giày xéo họ thêm nữa bằng những ngôn từ vô cảm, lạnh lùng, sắc cạnh.

Hãy mỉm cười dù chỉ bằng ánh mắt và chọn lời thân ái để nói với họ rằng: Đừng ngại ngần, hãy đến đây cầm lấy bánh mà ăn; cầm lấy nước mà uống, rồi những khó khăn này cũng sẽ qua thôi, người anh em ráng giữ sức khỏe nhé.

Họ nhận cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, ta cho cũng cảm thấy vui vẻ hơn. Lời lẽ ấy sẽ vỗ về những tâm hồn đang tạm thời thương tổn vì đói nghèo, họ cũng như ta, máu đỏ, da vàng. Hãy để họ đón nhận lấy phần cơm, tấm bánh mà ăn trong sướng vui, hạnh phúc chứ không phải ăn trong nước mắt tủi nhục. Vậy nên nếu đã có tâm làm việc tử tế, xin hãy tử tế đến tận cùng”.

Bản thân Huy cùng các bạn vẫn đi “bán” bánh mỳ mỗi tối kể từ ngày TP HCM thực hiện giãn cách xã hội. Trong hành trình “bán” hàng ấy, nhiều người họ xin thêm một đôi phần với nhiều lý do. Anh nói anh biết họ có thể đang nói dối, không có bố hay mẹ, cháu hay con nào ở nhà cả; có chăng là họ đang lo lắng ngày mai sẽ chẳng có cái mà ăn, “tham” thêm một chút để giữ lấy cái mà để dành.

“Thường thì mình sẽ không đi đến tận cùng sự thật trong tình huống này, mình chọn ứng xử khờ khạo để giữ lấy bao dung. Nếu mình bóc mẽ họ, họ sẽ có thể không lấy được thêm một phần ăn nhưng nếu lỡ họ nói thật thì sao, tối đó một ổ bánh mỳ phải bẻ làm đôi, làm ba, trong khi nếu như mình khờ đi một chút, ai cũng sẽ được no bụng, cái tốt sẽ được trọn vẹn hơn”, anh Huy chia sẻ.

Đừng để những ngôn từ vô cảm, những suy nghĩ ngờ vực bao trùm lên hạnh nguyện tốt đẹp mà mỗi chúng ta đang làm, anh Huy bộc bạch. Với những chiếc bánh mì nóng hổi, hộp xôi đầy đặn, nhóm của Hoàng Đức Huy hy vọng phần nào có thể giúp người khó khăn lấp đầy chiếc bụng đói qua đêm dài với thông điệp: “Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ - Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau”…

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS): Không thể tin đó là sự thật!

“Tôi nghi ngờ có ai đó quay cảnh phát cơm rồi lồng tiếng vào. Tôi không tin những người đã có tấm lòng làm việc thiện lại có thể buông ra những lời nói như vậy. Nhưng dù là ai thì những lời nói đó cũng không thể chấp nhận... Vì nếu đã đi làm từ thiện thì phải có tấm lòng nhân ái, cảm thông. Dù bất cứ lý do gì cũng không được xúc phạm người nhận. Có thể có trường hợp một số người nhận muốn nhận nhiều hơn hoặc không thuộc diện được nhận hỗ trợ thì cũng nên ôn tồn giải thích để không gây hiểu lầm. Hơn nữa, đã đi làm từ thiện tốt nhất không nên ghi hình, ghi âm rồi chia sẻ rộng rãi. Tất nhiên luôn có những người lợi dụng làm từ thiện để trục lợi, để đánh bóng tên tuổi. Đương nhiên hành động đó không được hoan nghênh”...

Đọc thêm