Xin người đứng đầu hãy vì dân mà hành động!

(PLO) - Tin các báo cho hay, sáng 15/5, tại buổi tiếp xúc của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở tổ 9, huyện Hóc Môn và Củ Chi, một cử tri phản ánh với ứng viên Đinh La Thăng Công ty Tấn Minh sản xuất sắt, kẽm ở xã Xuân Thới Sơn xả mùi hôi, bụi sắt ảnh hưởng cuộc sống. 
Xin người đứng đầu hãy vì dân mà hành động!

“Người dân đã phản ánh đến các cấp chính quyền nhưng 5 năm qua công ty vẫn hoạt động và tiếp tục gây ô nhiễm, hàng năm chỉ bị xử phạt rồi hoạt động tiếp. Mong Bí thư sớm giải quyết cho dân nhờ”, cử tri than thở. Sau khi “chuyển” ý kiến của người dân cho Chủ tịch xã thì mới té ngửa vị này còn lơ mơ. Tất nhiên “lý do đáng yêu” là vị quan đầu xã này mới về nên chưa có thời gian “sâu sát”. 

Câu chuyện đặt ra vấn đề không mới: trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền. 

Nếu vào google gõ cụm từ “trách nhiệm yếu kém”, chúng ta nhận được ngay 821.000 kết quả trong 0,71 giây. Điều đó cho thấy “trách nhiệm” đang là vấn đề lớn, đang là “lỗ hổng” lớn trong điều hành, quản lý đất nước. 

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu hách dịch, cửa quyền. Theo đó, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước rất quan trọng. Đáng tiếc, chúng ta bàn mãi về “trách nhiệm” nhưng cơ chế giám sát thực thi “trách nhiệm” luôn là câu hỏi lớn.

Liệu chúng ta có bất lực?

Theo kết quả nghiên cứu của Học viện Hành chính Quốc gia, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cần giải quyết bốn vấn đề: Trước hết cần xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ hai, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực thi công vụ, có biện pháp đo lường chính xác hiệu quả công tác. Thứ ba là bảo đảm các điều kiện để người đứng đầu thực thi tốt trách nhiệm, trao cho họ đủ quyền hạn và các điều kiện cần thiết. Thứ tư là hoàn thiện cơ chế, điều kiện kiểm soát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu. 

Chúng ta loay hoay vì đến nay, nhiều vấn đề như quy định thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; quy định xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao… hoàn toàn chưa có. 

Mọi việc thành công hay thất bại trước hết là do người đứng đầu, không phải chỉ trong mỗi cấp ủy Đảng, mà cả các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sản xuất kinh doanh… Do vậy, trong khi chưa làm rõ được cơ chế để có “trách nhiệm”, xin người đứng đầu hãy vì dân mà hành động!.

Đọc thêm