Khuôn mẫu giới tại vùng DTTS là vấn đề đang tồn tại và thể hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau. Một trong những khía cạnh đó là gánh nặng công việc chăm sóc không lương, nguyên nhân khiến phụ nữ DTTS gặp nhiều rào cản.
Dành 5 giờ mỗi ngày cho công việc không lương
“Gia đình tôi có 4 người gồm vợ chồng và 2 con nhỏ 2 tuổi và 1 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình, chồng tôi đi làm thợ xây ở Hà Nội. Vì không có lớp học cho trẻ dưới 2 tuổi nên tôi phải ở nhà trông con. Công việc hàng ngày của tôi là chăm sóc con, giặt giũ và làm việc nhà. Hôm nào đi làm nương thì tôi phải gửi con nhà hàng xóm. Vướng bận con nhỏ, hầu như tôi không có thu nhập nên kinh tế rất bấp bênh” - đây là tâm sự của một phụ nữ người DTTS tại huyện Tam Đường, Lai Châu và cũng là câu chuyện của rất nhiều phụ nữ DTTS hiện nay.
Tại Việt Nam, khoảng cách giới trong thị trường lao động nói chung đã được thu hẹp đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2020, nhưng khoảng cách giới trong tiếp cận việc làm có chất lượng và phát triển nghề nghiệp vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân do đâu, câu trả lời nằm một phần ở vấn đề gánh nặng của công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) mà phụ nữ đang phải đảm trách.
Theo kết quả Điều tra lao động việc làm năm 2020, trung bình phụ nữ dành khoảng 20,1 giờ mỗi tuần cho CVCSKL, gần gấp đôi thời gian của nam giới dành cho công việc này (10,7 giờ mỗi tuần). Trong cộng đồng đồng bào DTTS, khoảng cách này còn lớn hơn và trở thành một trong những trở ngại để phụ nữ DTTS có thể tham gia bình đẳng vào thị trường lao động. Tổ chức về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) định nghĩa CVCSKL bao gồm: CVCSKL gián tiếp như việc nhà, nấu nướng và chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp, giặt giũ quần áo, lấy nước và chất đốt; CVCSKL trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người lớn tuổi và người khuyết tật.
Tháng 7/2022, tại hội thảo chia sẻ các nghiên cứu mới nhất về hiện trạng CVCSKL đối với đồng bào DTTS, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy cơ hội tham gia vào thị trường lao động một cách công bằng và hiệu quả cho phụ nữ đồng bào DTTS do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF) và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức, báo cáo cho thấy, tại Việt Nam, phụ nữ dành khoảng 20 giờ mỗi tuần cho công việc chăm sóc gia đình, gần gấp đôi thời gian của nam giới cho công việc này (khoảng 10,7h/tuần). Trong cộng đồng người DTTS, khoảng cách này còn lớn hơn, gây ra những trở ngại cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất.
“Dỡ gánh nặng” việc nhà
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 13 triệu người DTTS, trong đó phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ đang phải chịu nhiều thiệt thòi, bất bình đẳng về giới trong gia đình và ngoài xã hội. Vì thế, xóa bỏ quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ là một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra và cần giải quyết ở nhiều góc độ khác nhau. Góc độ đầu tiên là tuyên truyền để gỡ bỏ rào cản từ định kiến giới, bởi công việc chăm sóc gia đình do phụ nữ thực hiện không nhận được sự đánh giá và trân trọng từ các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là nam giới và cộng đồng.
Do đó, giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó, người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan.
Ở góc độ tiếp theo, để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới và gánh nặng CVCSKL cho phụ nữ DTTS, cần thay thế các thiết bị gia dụng hỗ trợ CVCSKL, giúp giảm đáng kể thời gian và công sức của phụ nữ. Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng có trách nhiệm giới; đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc như trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật, truyền thông thay đổi định kiến giới…
Thực tế hiện nay cho thấy, tại các địa phương có người DTTS, một số dịch vụ có thể giúp giảm gánh nặng CVCSKL cho phụ nữ, giúp họ tìm việc làm có trả lương như dịch vụ nhà dưỡng lão cho người già, cơ sở dành cho người khuyết tật và giới thiệu việc làm cho phụ nữ... đang thiếu. Chỉ 11,4% hộ đồng bào DTTS cho biết sẵn có nhà dưỡng lão cho người già, 11,2% cho biết sẵn có trung tâm dành cho người khuyết tật và 18,9% cho biết sẵn có trung tâm giới thiệu việc làm cho phụ nữ…, theo khảo sát của Tổ chức CARE.
Tại Hội thảo “Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào DTTS ở Việt Nam” do Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF), Trung ương Hội LHPN và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức tháng 9/2022, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bà Tôn Ngọc Hạnh cho biết, Hội LHPN Việt Nam triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo bà Lò Thị Thu Thủy - Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo - Hội LHPN Việt Nam, Dự án 8 tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt khoanh vùng xác định 3 khuôn mẫu chính cần thay đổi gồm: việc nhà là việc của phụ nữ, phụ nữ không nên thực hiện các hoạt động kinh tế chính của gia đình, phụ nữ không nên đưa ra các quyết định quan trọng cuối cùng trong gia đình... Dự án cũng sẽ phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm vay vốn thôn bản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tăng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Theo ThS Ngô Thị Thanh Hương - Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, khảo sát cho thấy 70,8% người được khảo sát tại hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu cho rằng việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đi chợ, nấu nướng phù hợp với nữ giới và nữ giới nên làm; 51,5% đồng tình với quan niệm nam giới không làm việc nhà; 27,4% nam giới không làm việc nhà vì sợ bị chê cười. Khuôn mẫu này càng được củng cố khi nữ giới luôn tin rằng việc này là đúng (76,8%). Điều này gây ảnh hưởng đến việc tái phân bổ CVCSKL giữa các thành viên trong gia đình, nhất là sự tham gia của nam giới.