Xóa kiểu văn bản … ban hành vô tội vạ!

 “Người dân và Doanh nghiệp sẽ chưa thể cảm nhận được sự giải thoát khỏi  những gánh nặng hành chính cho đến khi các biện pháp đơn giản hóa đó được thực hiện…”- TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW(CIEM) khẳng định.

“Vấn đề của Việt Nam hiện nay không chỉ là cải cách hành chính nữa mà là cải cách thể chế, tức là  thay đổi cách thức, quy mô, cơ chế, công cụ can thiệp của nhà nước vào thị trường, vào hoạt động hàng ngày của DN và người dân…”- TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW(CIEM) phát biểu tại lễ ra mắt Chương trình cải thiện chất lượng chính sách  (PERQ) vừa diễn ra...

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Khắc phục bất ổn môi trường thể chế

Nghiên cứu của CIEM cho thấy, số lượng các quy định có tác động tới DN của Việt Nam đã tăng mạnh từ năm 2005 đến 2008, và tăng đột biến vào năm 2009 với 8520 quy định. Năm 2010, số lượng các quy định tuy có giảm còn 5810 nhưng vẫn cao hơn năm 2008 với gần 4500 quy định. Riêng giai đoạn 2005 – 2008, số lượng văn bản có chứa quy phạm pháp luật (QPPL) đã tăng nhiều hơn so với tổng số  văn bản được ban hành trong vòng 18 năm trước đó. Ngoài ra, trong các năm từ 2005- 2008, số lượng công văn có chứa QPPL tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 18 năm trước đó.  

“Số lượng quy định quá lớn gây ra nhiều vấn đề. Tính không chắc chắn của hệ thống quy định hiện hành (về tính thống nhất pháp lý, phạm vi áp dụng hoặc thậm chí là tính cần thiết) sẽ  tạo ra chi phí không cần thiết cho người dân và DN trong thực thi pháp luật cũng như tạo cơ hội cho hành vi sách nhiễu của một số cán bộ, công chức. Một môi trường thể chế bất ổn như vậy là không thân thiện, không có lợi cho DN và người dân...”- ông Cung nhận xét.

Từ Đề án 30 đến PERQ

Đề án 30 đã ra đời và triển khai từ năm 2008 như một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường thể chế hiện tại, tạo môi trường thông thoáng cho người dân và DN. Văn phòng Chính phủ ước tính, nếu thực hiện đầy đủ các kiến nghị đơn giản hóa thì tổng chi phí tuân thủ tiết kiệm được là khoảng 1,45 tỷ USD/năm. Tuy nhiên đây chỉ là con số ước tính, “điều quan trọng hơn là người dân và DN sẽ chưa thể cảm nhận được sự giải thoát khỏi  những gánh nặng hành chính cho đến khi các biện pháp đơn giản hóa đó được thực hiện…”- ông Cung lưu ý.

Nhằm tiếp sức cho Đề án 30 và hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật tốt hơn, CIEM và DỰ án USAID/VNCI xây dựng Chương trình cải thiện chất lượng chính sách (viết tắt là PERQ), tạo điều kiện cho người dân,  DN tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào quá trình cải thiện môi trường thể chế ở Việt Nam thông qua các khóa tập huấn, hội thảo, cung cấp tài liệu, hướng dẫn sử dụng công cụ đánh giá tác động pháp luật (RIA)… PERQ cũng sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý phân tích , loại bỏ các quy định tạo thêm gánh nặng, chi phí không cần thiết cho cộng đồng, cản trở đổi mới và kìm hãm cạnh tranh. Các hoạt động của PERQ sẽ được thông tin đầy đủ trên địa chỉ perq.vn hoặc ria.net.vn.

“PERQ sẽ đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo một môi trường minh bạch và giải trình rõ ràng tại Việt Nam- yếu tố thiết yếu thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút đầu tư vào Việt Nanm trong tương lai…”- TS Nguyễn Đình Cung nhận định… 

* Báo cáo chỉ số Cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn kinh tế thế giới năm  2010- 2011 cho thấy gánh nặng quy định, tính hiệu quả của hệ thống pháp luật và tính minh bạch của công tác hoạch định chính sách của Việt Nam đều giảm. Cụ thể, xếp hạng GCI của Việt Nam (2009- 2010; 2010- 2011) gánh nặng quy định của Chính phủ tụt 14 hạng (106, 120); hiệu quả của hệ thống pháp luật trong giải quyết tranh chấp tụt 12 hạng (49, 61); tính hiệu quả của hệ thống pháp luật trong phản biện quy định tụt 10 hạng (48- 58); tính minh bạch của công tác hoạch định chính sách tụt 20 hạng (53, 73)

* Giai đoạn 2005- 2008, trung bình mỗi năm có khoảng 860 văn bản QPPL được ban hành; năm 2009 có gần 1.500 văn bản QPPL mới được ban hành. Cũng trong giai đoạn 2005- 2008, trung bình mỗi năm có gần 2.500 quy định không mang tính quy phạm được ban hành. Năm 2009, con số này tăng hơn gấp 2 lần (5.467 quy định không mang tính quy phạm. Chiều hướng này vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2010.

Thanh Lan

Đọc thêm