"Xoay sở" thế nào khi tài trợ phòng, chống HIV/AIDS cạn dần?

2/3 nguồn lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, chúng ta sẽ phải xoay sở như thế nào để vượt qua đại dịch, khi các nguồn tài trợ đang có xu hướng giảm dần và sẽ rút hết?.

2/3 nguồn lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, chúng ta sẽ phải xoay sở như thế nào để vượt qua đại dịch, khi các nguồn tài trợ đang có xu hướng giảm dần và sẽ rút hết?.

Liên kết, phối hợp chặt chẽ các Hội Phòng, chống HIV/AIDS

Tính đến hết năm 2012, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước là 210.703. Số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 61.699. Như vậy, cả nước đang có gần 300.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay, gần như các chương trình điều trị, dự phòng can thiệp đối với nhóm này đa số nhờ vào nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế. Chính vì thế, chúng ta sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức khi các nguồn hỗ trợ quốc tế ngày càng giảm dần.

Ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã, Văn phòng Chính phủ cho hay, để bảo vệ bền vững các kết quả đạt được trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng Đề án huy động nguồn lực phòng, chống AIDS, theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Trong đó, đề cao vai trò tham gia của các tổ chức dựa vào cộng đồng, đặc biệt là Hội phòng, chống AIDS các địa phương. Với vai trò và chức năng của mình, Văn phòng chính phủ sẵn sàng theo sát chỉ đạo, đồng thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

 hoạt động của Hội Phòng, chống AIDS, các nhóm tự lực rơi vào bế tắc, khó khăn về mọi mặt nhân lực, vật lực và tài lực.
Hoạt động của Hội Phòng, chống AIDS, các nhóm tự lực rơi vào bế tắc, khó khăn về mọi mặt nhân lực, vật lực và tài lực.

PGS. TS. Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Phòng, chống AIDS Việt Nam nhận xét, Hội phòng, chống AIDS địa phương có vai trò rất lớn trong việc xây dựng mạng lưới các chi Hội. Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức Hội vẫn phát triển rất chậm trên bình diện toàn quốc.

Cụ thể, Hội thiếu nguồn nhân lực, vật lực và tài lực để hoạt động; hệ thống phòng chống AIDS chưa chú trọng và tạo điều kiện cho hoạt động của Hội các địa phương; hệ thống pháp luật và chính sách về hoạt động Hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng cũng chưa hoàn chỉnh, thiếu tính đồng bộ…

Bởi vậy, để phát huy vai trò của tổ chức này, theo PGS. Chung Á, cần phải thống nhất Hội phòng, chống AIDS thành một hệ thống bao gồm: Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam; Hội phòng, chống AIDS cấp tỉnh, thành phố; Hội phòng, chống AIDS cấp huyện, thị và các chi hội.

Cùng với đó, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS, Ma túy, Mại dâm nên coi Hội Phòng, chống AIDS  như một đầu mối hoạt động nhằm huy động cộng đồng và người nhiễm, hàng năm cấp kinh phí hoạt động và các hợp đồng theo công việc; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực và tìm kiếm nguồn kinh phí hoạt động của Hội…

Vượt lên cứu mình

Hiện nay, Việt Nam có tới 11 mạng lưới khu vực những người sống chung với HIV, chưa kể mạng lưới độc lập khác. Chúng ta cũng có khoảng 180 nhóm tự lực và câu lạc bộ những người sống chung với HIV tại 31 tỉnh, thành phố với khoảng 7000 người tham gia tích cực.

Nhưng, trước những khó khăn và thách thức, đặc biệt là sự khó khăn về kinh phí, hiện các nhóm tự lực đang ngày càng có xu hướng tan rã, hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động.

Đơn cử như Hải Phòng – một thành phố có sự hỗ trợ rất lớn từ phía các tổ chức quốc tế. Theo phản ánh của Bác sỹ Nguyễn Quang Thịnh, PCT Hội Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng, những năm trước đây, hoạt động phòng chống AIDS của địa phương khá sôi nổi và đạt hiệu quả cao, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của một số nhóm tự lực như “Hoa Hải Đường”; “Trường Sơn Xanh”; “Ve chai”…

Ngoài các hoạt động tuyên truyền cộng đồng;  hỗ trợ điều trị, chăm sóc bệnh nhân AIDS; từ thiện gây quỹ…, các nhóm tự lực còn đẩy mạnh việc hỗ trợ tài chính để kinh doanh, buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, sau khi kinh phí trung ương và địa phương dành cho công tác phòng chống AIDS giảm; các tổ chức quốc tế rút dần tài trợ, số nhóm tự lực hiện nay đã giảm 50% so với năm 2010; hoạt động của Hội Phòng, chống AIDS, các nhóm tự lực rơi vào bế tắc, khó khăn về mọi mặt nhân lực, vật lực và tài lực.

Trước những khó khăn và thách thức trên, bác sỹ Thịnh cho rằng, bằng mọi cách Nhà nước, địa phương nên hỗ trợ kinh phí tối thiểu cho Hội và các nhóm tự lực hoạt động; gắn hoạt động của các nhóm tự lực dưới sự bảo trợ của một cơ quan, tổ chức tại địa phương, giúp các nhóm về kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý điều hành  hoạt động.

Để tránh sự đầu tư dàn trải, lãng phí, theo bác sỹ Thịnh: “Chỉ nên hỗ trợ cho những nhóm hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ “đúng người, đúng việc”, tốt nhất tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho các thành viên của nhóm thông qua các hoạt động phù hợp tại các địa phương…”.

“Hãy vượt lên chính mình, tham gia các nhóm, câu lạc bộ tự lực, giúp nhau có việc làm, vượt khó để vươn lên trong cuộc sống!” là quan điểm của ông Nguyễn Đình Thuyên, Vụ Khoa giáo – Văn xã, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội. Theo ông Thuyên, không thiếu gì việc người nhiễm HIV có thể làm được khi mà cái nhìn và nhận thức của xã hội dần thay đổi đối với những người nhiễm HIV.

Đoan Trang

Đọc thêm