Xót xa di sản bị "biến dạng" bởi tiền và danh

Với một số di sản sau khi được UNESCO vinh danh, các cơ quan quản lý địa phương đã quá chú tâm vào “thành tích” và khai thác “thành tích” ấy mà coi nhẹ gìn giữ, bảo vệ di sản. Nhiều địa phương đua nhau xây dựng resort, khách sạn, hoặc để các dịch vụ ăn theo hay chạy theo các kỷ lục làm phá vỡ cảnh quan, mất đi vẻ đẹp và giá trị vốn có của các di sản.

Có thực tế đáng buồn là, một số di sản sau khi được UNESCO vinh danh, các cơ quan quản lý địa phương đã quá chú tâm vào “thành tích” và khai thác “thành tích” ấy mà coi nhẹ gìn giữ, bảo vệ di sản. Nhiều địa phương đua nhau xây dựng resort, khách sạn, hoặc để các dịch vụ ăn theo hay chạy theo các kỷ lục làm phá vỡ cảnh quan, mất đi vẻ đẹp và giá trị vốn có của các di sản.

Chị hai “nhí” xin tiền
Chị hai “nhí” xin tiền

Những di sản được tôn vinh…

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ đón bằng công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng. Cùng với Thành nhà Hồ, hàng loạt các di sản Việt Nam đã được UNESCO công nhận trong những năm gần đây.

Có thể kể tới, 2 Di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long và Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng; 5 Di sản văn hóa thế giới :Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ và các danh hiệu khác: Cao Nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu, Nhã nhạc cung đình Huế,Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Hát Xoan là Di sản văn hóa kiệt tác truyền khẩu phi vật thể, Hội Gióng - Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, 82 bia tiến sĩ Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Di sản tư liệu thế giới.

Bên cạnh các di sản đã vinh dự được UNESCO tôn vinh, chúng ta cũng đã tiến hành lập hồ sơ đề cử nhiều di sản khác nữa như: Bãi đá cổ Sa Pa, Hồ Ba Bể, chùa Hương....     

Những “viên ngọc quý” này được UNESCO công nhận là điều không đơn giản. Một hồ sơ theo quy định của công ước UNESCO phải trình trước hai năm mới được xem xét qua các vòng. Để có được bộ hồ sơ trình lên UNESCO cũng không dễ dàng gì.

Mỗi một bộ hồ sơ được hoàn thành là bao tâm sức của các nhà khoa học, các nhà quản lý. Thời gian hoàn thành mỗi bộ hồ sơ ít nhất cả năm trời, như hồ sơ Hoàng thành phải mất 2 năm, Hội Gióng cũng tương tự…

Hồ sơ gửi đi, phải chờ Hội đồng khoa học của UNESCO thẩm định. Sau khi thẩm định hồ sơ, hội đồng sẽ đến quốc gia, địa phương có di sản để nghiên cứu, thẩm tra. Di sản phải thuyết phục hội đồng thành viên của 21 nước trong tổ chức UNESCO và cam kết chương trình hành động bảo tồn và phát triển tốt các di sản này.

Và bị “biến dạng”…

Khó khăn khi vượt qua các “cửa ải” để được tôn vinh, thế nhưng khi được UNESCO công nhận thì các “viên ngọc quý” này bị tì vết, hoen ố bởi một số nhà quản lý, địa phương. Thực tế, các di sản nằm rải rác ở các địa phương bị tận dụng để khai thác kinh tế, du lịch… phần lớn không được ứng xử như một di sản cần bảo vệ.

Còn nhớ việc tranh luận về ý đồ xây dựng khách sạn tại đồi Vọng Cảnh (Huế) cách đây mấy năm, Những ai từng đến Huế đều biết, đồi Vọng Cảnh là một địa điểm nổi tiếng thơ mộng, mang một giá trị khá đặc biệt đối với cảnh quan sông Hương và quần thể di tích các lăng tẩm xung quanh. Từ đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh thượng nguồn sông Hương, TP.Huế… May có sự giúp sức của báo chí và dư luận nên dự án khách sạn trên đồi Vọng Cảnh mới bị dẹp, giữ được vẻ đẹp nên thơ, tự nhiên vốn có của địa điểm này.

Hạ Long được tôn vinh chưa lâu đã bị UNESCO cảnh báo về tình trạng khai thác than gây ô nhiễm mặt biển và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường Hạ Long. Khi thăm vịnh Hạ Long, không ít du khách lắc đầu khi thấy có quá nhiều chai lọ, túi nhựa và những loại rác rưởi khác trôi nổi trên vịnh. Đồng thời với rác rưởi là những vệt nước ô nhiễm theo dòng thủy triều gần cảng vịnh. Sự ô nhiễm đó sẽ tàn phá những rạn san hô của Hạ Long một cách dễ dàng. Và nước đục cũng khiến du khách thật sự không muốn bơi.

Vấn đề ô nhiễm sẽ nghiêm trọng hơn khi du lịch được khai thác nhiều hơn. Điều đó sẽ gây ra một hậu quả là vẻ đẹp của vịnh cùng với hệ sinh vật biển Hạ Long sẽ dần bị phá hủy. Có thể không quá nhanh nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn, đời sống của ngư dân và chính những người đang khai thác trong ngành du lịch sẽ chịu thiệt hại.

Việc ô nhiễm nước ở Hạ Long sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ngư dân đang sống trên những khu làng nổi và nó cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của những người sử dụng nước ở đây. Tất nhiên là nó cũng làm hỏng vẻ đẹp của vịnh Hạ Long.  Ngoài ra, ngay sau khi được bầu chọn là Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới chưa được bao lâu thì BQL Vịnh Hạ Long lại có động thái gây mất cảm tình của du khách bằng việc nâng giá tham quan.

Tiếp đến là Phong Nha - Kẻ Bàng ngày 16/10/2010 được Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký trình hồ sơ gửi tổ chức UNESCO công nhận khu vườn quốc gia này là di sản thiên nhiên thế giới lần 2 về tiêu chí đa dạng sinh học.

Nhưng chỉ một ngày sau đó, Ngân hàng phát triển Đức đã gửi thư đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình phải hoàn trả phân nửa số tiền (200.000/360.000 euro) họ đã chi cho dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây. Lý do là quản lý của địa phương chưa tốt, cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra trong mùa khô, những vạt rừng phòng hộ quanh Phong Nha bị đốt cháy loang lổ vì bị khai thác trái phép.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được vinh danh cuối năm 2010 thì đầu năm 2011 đã được phát hiện là bị lún, nứt có nguy cơ không còn nguyên vẹn do ảnh hưởng từ việc xây dựng Nhà Quốc hội...

Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở Hội Lim vừa mới diễn ra với việc xác lập kỷ lục quốc gia cho hơn 3.000 liền anh liền chị mặc trang phục áo the khăn đóng, mớ ba mớ bảy hát Quan họ khiến cho dư luận không mấy đồng tình. Bởi rất nhiều người cho rằng, cách bảo tồn như vậy là hoàn toàn sai lầm, vì sẽ đẩy hát Quan họ vào xu hướng bị sân khấu hóa, tập thể hóa khiến nó không còn mang tính nghệ thuật. Hơn nữa, bảo tồn Dân ca Quan họ là bảo tồn những giá trị tinh túy chứ không thể để tồn tại hình ảnh phản cảm các liền anh liền chị “nhí” vừa hát vừa ngả nón xin tiền quan khách…

Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng với địa hình núi đá hùng vĩ với những giá trị di sản tự nhiên, đặc biệt là di sản địa chất, các di sản văn hóa đa dạng và độc đáo. Cao nguyên đá Đồng Văn đã được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Từ sự độc đáo nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, những kiến tạo đặc trưng của các hang động có giá trị rất lớn đối với ngành du lịch Hà Giang hiện nay đang trong tình trạng báo động do người dân đập phá nhũ đá mang về làm bồn cảnh, trang trí trong gia đình... Trong hang còn rất nhiều nhũ đá bị bẻ gãy, nhiều gốc nhũ có vết gãy còn mới nguyên. Những bao tải đựng nhũ đá chưa kịp vận chuyển đi vẫn còn ngổn ngang trong hang. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng bà con dân tộc thiểu số vào đào bới lấy cây Tùng La hán- là nguồn gen quý hiếm- mang đi bán.

Không phải ngẫu nhiên, UNESCO gác lại 3 hồ sơ của lễ hội chùa Hương, cố đô Hoa Lư và vườn Quốc gia Cúc Phương. 3 hồ sơ này đang “mắc” vì vấn đề bảo tồn và phát triển chưa tốt. Thế nhưng dường như sự cảnh tỉnh này chưa đủ mạnh để chúng ta dừng ngay những việc làm vụ lợi trước mắt và có được chiến lược bảo tồn bền vững các di sản. Chúng ta không thiếu những di sản giá trị đáng được vinh danh nhưng chúng ta chưa thực sự tìm được lời giải đích đáng cho bài toán bảo tồn, tôn tạo và phát triển các di sản.

Bảo Châu

Đọc thêm