Xu hướng tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu bạn đang ở một đô thị lớn như TP HCM hay Hà Nội, phải làm một công việc chân tay tương đối nhàm chán, đúng giờ giấc từng ly từng tí, thu nhập cỡ 8 - 9 triệu đồng/tháng, cơ hội thăng tiến vô cùng hiếm hoi, tri thức thu được trong quá trình làm việc không nhiều; trong khi phải thuê nhà, phải tự mình lo ăn uống… thì bạn có chấp nhận hay không?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với những người trẻ, chắc sẽ rất ít người gật đầu.

Đó là xu hướng đang xảy ra với ngành dệt may ở nước ta. Dệt may, da giày là hai ngành hàng dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế Việt Nam. Trong đó, dệt may khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Con số này ở ngành da giày là hơn 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ trên 18%. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt sau COVID-19, hai ngành phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động.

Riêng tại TP HCM, theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Falmi), sau dịch, nhu cầu sử dụng lao động của dệt may, da giày tăng rất cao, song khả năng đáp ứng của thị trường còn hạn chế. Dự báo giai đoạn 2022-2026, hai ngành này tại TP HCM sẽ có 390.000 - 437.000 lao động làm việc. Bình quân mỗi năm, hai ngành phát sinh 20.000-22.000 vị trí việc làm mới. Tuy nhiên, ghi nhận các năm qua, lao động có nhu cầu tìm việc nhóm dệt may, da giày giảm nhiều, mỗi năm chỉ hơn 1.000 người.

Đại diện một Cty dệt may tại TP HCM cho biết các nhà máy của DN sẵn sàng tuyển người mới dạy nghề may, đảm bảo lương, thưởng nhưng chưa đủ hấp dẫn. Lao động trẻ chỉ muốn làm các công việc phụ, ngại ngồi vào dây chuyền do phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tốc độ... Không chỉ khó tuyển mới, Cty còn đối mặt biến động lao động ngay trong nội bộ. Ngành dệt may không còn hấp dẫn công nhân. Một lượng lớn lao động ở các nhà máy nghỉ việc để chuyển sang các ngành khác thu nhập tốt hơn. Chưa kể xu hướng lao động dịch chuyển ngược từ TP về các địa phương do chi phí ở thành thị ngày càng đắt đỏ, lương 8-9 triệu/tháng khó có thể sống nổi.

Đại diện một Cty khác cho hay, nếu trước đây, một tuần nhà máy có thể tuyển 50 công nhân có tay nghề, giờ đây cả tháng, sử dụng đủ kênh chỉ kiếm được 10 người. Chưa kể, người đến ứng tuyển đa phần lao động lớn tuổi, ngấp nghé 40, bị nhiều ngành "chê".

Hiện, tuổi bình quân của công nhân ở nhiều nhà máy may mặc đến 41-42, tức lao động lớn tuổi chiếm số đông. Họ gắn bó vì khó tìm được công việc khác, hoặc cố gắng làm để chờ tuổi hưu. Nhân lực không đáp ứng đủ nên các Cty quy mô dưới 1.000 lao động khá dè dặt khi ký các đơn hàng lớn, buộc phải nhận các hợp đồng nhỏ, đơn giá thấp.

Khan hiếm lao động khiến nhiều nhà máy không thể đạt 100% công suất. Với những dây chuyền được bổ sung đủ người, năng suất vẫn đi xuống do người mới chưa quen nghề, không bắt được nhịp sản xuất. Một số Cty từng có kế hoạch mở rộng sản xuất để nhận thêm khách hàng, giờ đây rơi vào tình trạng lao động giảm gần một nửa trong khi tiền thuê xưởng tăng gấp đôi, DN cũng không thể nhận thêm đơn hàng mới.

Một số ý kiến cho rằng lao động bỏ dệt may, da giày để chuyển sang các ngành khác có giá trị, năng suất cao hơn, lương tốt hơn như điện tử, du lịch... là xu hướng tất yếu. Thời gian tới, hai ngành hàng này sẽ không còn là thế mạnh khi Việt Nam dần dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị. Nếu nhìn theo kinh nghiệm của các nước, ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ phải thay đổi, tái cấu trúc với mô hình tăng trưởng khác. Thậm chí hai ngành phải thu hẹp, không dựa nhiều vào lao động giá rẻ như hiện nay vì những lợi thế này sẽ mất dần. Đó là những nhận định đáng để những nhà làm chính sách lưu tâm.

Đọc thêm