Xử lý các dự án thua lỗ của Bộ Công Thương: Phá sản dự án là sự lựa chọn cuối cùng

(PLO) - Thông tin từ đại diện Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án xử lý đối với các nhóm dự án thua lỗ trong ngành. Hầu hết các dự án đều được ưu tiên tái khởi động rồi sau đó tiến hành thoái vốn nhà nước.
Sẽ ưu tiên phương án chuyển nhượng, thoái vốn ngay đối với Nhà máy ethanol Phú Thọ

Theo đó, đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai phải tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp. 

Với Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, ưu tiên chọn Phương án khởi động, vận hành lại Nhà máy trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi Dự án.

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ưu tiên chọn Phương án Tổng Công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án còn lại, lần lượt theo thứ tự ưu tiên như sau: Tiếp tục triển khai Dự án với nhà thầu là Tổng Cty CP xây lắp dầu khí Việt Nam; Tiếp tục triển khai Dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu là Tổng Cty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam để tìm nhà thầu khác; Dừng triển khai Dự án, phá sản Cty.

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước ưu tiên chọn Phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng Cty dầu Việt Nam chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn giữa 2 phương án cho thuê tài chính hoặc bán tài sản.

Với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, ưu tiên chọn Phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Cty CP gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), ưu tiên chọn Phương án chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai phương án phá sản DQS theo quy định của pháp luật.

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) cũng ưu tiên chọn Phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án PVTex chuyển nhượng Cty. Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét phương án phá sản Cty theo quy định của pháp luật.

Với Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án; đồng thời, Tổng Cty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của Dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của Dự án đến thời điểm 31/12/2016. 

Đọc thêm