Xung quanh nội dung này, PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đơn vị chắp bút xây dựng Đề án.
Thưa ông, theo Đề án này đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm được các dự án thua lỗ hiện nay?
- Thực ra không phải Đề án đặt mục tiêu này mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã đặt ra là năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tập đoàn, tổng công ty. Từ năm 2021- 2025 phải xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kém hiệu quả kéo dài. Ngoài 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương còn các dự án khác cần xử lý, các dự án mà chưa báo cáo…
Đó là nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra. Quyết liệt như vậy là để đảm bảo sau năm 2025 tất cả các doanh nghiệp (DN) cơ bản tái cơ cấu xong và tập trung vào đổi mới và phát triển, không còn phải xử lý những vướng mắc tồn tại nữa…
Việc xử lý các dự án yếu kém chúng ta đã làm lâu nay, liệu lần này Đề án có đưa ra các giải pháp đột phá không, thưa ông?
- Lần này Bộ Tài chính là một trong những Bộ được Thủ tướng giao xây dựng Đề án và cũng là Bộ được Thủ tướng giao nhiều việc, trong đó có những việc thuộc chức trách của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc xây dựng cơ chế xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương .
Với 12 dự án này, chúng tôi thấy rằng cần phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền quyết định xử lý thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu là Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) hay là thuộc trách nhiệm của Hội đồng thành viên (HĐTV), Hội đồng quản trị (HĐQT) của các dự án này?
Khi rà soát 12 dự án, chúng tôi thấy đa phần trách nhiệm nằm phần lớn ở các công ty “con”, công ty “cháu” thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Phải xác định rõ trách nhiệm mới xác định thẩm quyền xử lý, tạo cơ sở pháp lý cho thẩm quyền xử lý và trách nhiệm xử lý, đảm bảo nguyên tắc Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu không thực hiện các quyết định không đúng thẩm quyền; cơ chế chính sách phải do dưới HĐTV, HĐQT.
Từ thực tiễn triển khai, các tập đoàn, tổng công ty có vướng mắc mà vượt thẩm quyền thì báo cáo cơ quan chủ sở hữu xử lý. Nếu vượt thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu thì cơ quan chủ sở hữu báo cáo lên các bộ, ngành, các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách. Để đảm bảo khi xử lý các dự án này phải tuân thủ đúng pháp luật, không sử dụng, không ảnh hưởng đến NSNN. Đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, xác định rõ đúng người, đúng việc.
|
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính. |
Ông có thể nói rõ hơn về nguyên tắc thị trường?
- Nguyên tắc thị trường là nếu khi tái cơ cấu các dự án này bằng các hình thức như: Chuyển nhượng vốn, giao dự án, bán hoặc là giải thể, phá sản thì việc xác định đúng giá trị dự án phải theo giá thị trường. Tức là phải thuê tư vấn định giá lại xem giá trị DN còn bao nhiêu mới xử lý được, tránh hiện tượng khi đầu tư đã sai, vượt vốn quá tổng mức, vốn lớn quá mức… Thanh tra, kiểm toán đã xác định rõ rồi, đến lúc xử lý lại máy móc lấy giá trị sai đó. Như thế sẽ không khả thi, không kêu gọi được nhà đầu tư vì giá không đúng giá thị trường.
Các dự án này đã thuộc loại kém hiệu quả và thua lỗ thì bao giờ cũng có phần đã mất đi, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan từ trước và phần giá trị còn thu hồi được. Phần giá trị còn thu hồi được phải xác định theo giá thị trường. Phần đã mất đi chắc chắn không thu hồi được mà cơ quan pháp luật sẽ xử lý những người vi phạm.
Nguyên tắc thị trường là định giá bao nhiêu thì bán bấy nhiêu mang về. Không thể tính theo kiểu 1 dự án bình thường, không yếu kém không thua lỗ, bỏ ra 10 đồng đầu tư thì cũng phải thu về 10 đồng. Như thế thì “bó tay, bó chân” người thực hiện.
Cần lưu ý, bảo toàn vốn gồm 2 phần: Những gì còn thì thu hồi về; phần còn lại thu hồi từ việc xét xử vi phạm, thu từ phần bồi thường đền bù thiệt hại những phần tài sản đã mất do sai phạm.
Nguyên tắc này chúng tôi đang đề nghị làm rõ theo hướng đó trong Đề án. Như thế mới đưa ra được cơ chế xử lý. Còn nếu cứ nói bảo toàn vốn là bỏ ra bao nhiêu phải thu về bấy nhiêu thì vô hình trung có 2 điều: Một là thu đủ rồi thì những người sai phạm kia có sai không? Thực tế là họ đã sai rồi và không thể thu đủ được. Hai là, có nguyên tắc thì người xử lý dự án sẽ yên tâm, họ sẽ cố gắng thu hồi tối đa nhất giá trị vốn đầu tư nhà nước. Cái mất đi rõ ràng là không thể thu hồi và phần mất đi sẽ được cơ quan pháp luật xác định rõ sai phạm của ai, gây thiệt hại thế nào và họ phải đền bù thế nào…
Có nguyên tắc rõ ràng sẽ sớm giải quyết được các dự án thua lỗ và khi dự án được xử lý sớm ngày nào, chi phí phát sinh, chi phí tài chính (như lãi vay ngân hàng, chi phí tài chính khác…) sẽ không tăng lên theo thời gian. Theo đó, bức tranh tài chính DN sáng sủa hơn, giúp cho dự án sáng sủa hơn, giúp cho các DN mẹ căn cơ hơn để xử lý phục hồi sản xuất...
Vai trò của CMSC trong xử lý các dự án thua lỗ là gì, thưa ông?
- Cơ quan này là cầu nối giữa DNNN có dự án trong danh sách phải xử lý với các bộ, ngành, từ đó tham gia đề xuất khung khổ pháp lý, cơ sở pháp luật cho việc thực hiện xử lý các dự án. Việc này, chúng ta đang làm rồi nhưng vẫn có sự đùn đẩy nên ở dưới chưa yên tâm. CMSC sẽ chỉ ra những gì DN cần, DN vướng… Các bộ, ngành và Chính phủ sẵn sàng tạo mọi điều kiện, cả về thể chế và khung khổ pháp lý thuộc thẩm quyền để hỗ trợ cho DN.
Để làm được điều này, nguyên tắc làm việc vẫn phải là quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời có sự kiểm tra giám sát và chia sẻ của cơ quan chủ sở hữu. Hiện CMSC đã trình giải pháp, hướng xử lý cho từng dự án, Bộ Tài chính thẩm định và sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Xin cám ơn ông!