Xử lý hình sự hành vi vi phạm về Vệ sinh An toàn thực phẩm: Quy định gây khó cho việc xử lý

(PLO) - Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an – cho rằng quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại Điều 244 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 không hề nhẹ nhưng chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu để xử lý.
Một vụ ngộ độc tập thể. (Ảnh: NLĐ)
Một vụ ngộ độc tập thể. (Ảnh: NLĐ)

Từ thực tế đó, Tướng Vương và nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội (QH) sớm thông qua BLHS năm 2015 với các quy định cụ thể về hành vi này, giúp việc xử lý dễ dàng hơn. 

 Vi phạm đến mức báo động…

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016” được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH mới đây đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP đối với ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm, kiểm soát giết mổ động vật… bộc lộ không ít tồn tại, yếu kém. Tình trạng ngộ độc thực phẩm đang diễn ra khá phức tạp là một thách thức lớn với công tác ATTP. 

Trong các năm qua, trên toàn quốc đã nghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. “Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và 286 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm tỷ lệ 26,6%)”, báo cáo giám sát cho biết.

Kết quả kiểm tra rau, quả tươi sống giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là hơn 8,4%; kiểm tra đối với hơn 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm. Việc kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật cũng được đánh giá là khâu yếu. Tình trạng vi phạm về quy định ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình kinh doanh thực phẩm. ATTP đã có lúc, có nơi đến mức báo động. 

Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, từ năm 2011-2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.

Nhưng xử lý chưa đạt

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, trong 5 năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 13.296 vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP, riêng cơ quan công an trực tiếp xử lý 8.276 vụ, xử phạt hành chính 64.942 tỷ đồng, các cơ quan khác xử lý 5.020 vụ. 

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm, theo thống kê của Công an các đơn vị, địa phương trong thời gian từ 2011-2016, cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân đã khởi tố 1 vụ, 3 bị can bao gồm Giám đốc và 2 nhân viên của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội về hành vi sản xuất rượu gây ngộ độc làm chết 4 người tại Quảng Ninh theo Điều 244 BLHS năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. “Vụ việc này gây chết người và rượu cũng có chất độc methanol cao” – ông Vương lý giải về cơ sở xử lý vụ việc. Còn lại 90 vụ với 148 bị can bị truy tố về các tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới trong đó hàng hóa là thực phẩm…

Giải thích về việc tại sao vi phạm VSATTP diễn ra nhiều nhưng xử lý hình sự chỉ được 1 vụ, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, quy định hình phạt tại Điều 244 BLHS không phải là nhẹ nhưng khó nhất là việc thực hiện. “BLHS năm 1999 quy định tội vi phạm các quy định về VSATTP nhưng tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa được cụ thể hóa, khiến việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu làm căn cứ để xử lý hết sức khó khăn. Tới đây, theo BLHS năm 2015 thì các vấn đề này sẽ cụ thể và thực hiện được” – ông nói. 

Cũng theo Thứ trưởng Vương, khó khăn thứ hai trong quy định về xử lý hành vi vi phạm VSATTP là quy định phải giám định, bao gồm giám định chất và nếu gây chết người thì phải giám định nguyên nhân tử vong có phải do thức ăn, đồ uống đó hay không. “Quy định như vậy là rất khó khăn vì hậu quả có khi không xảy ra ngay mà tích tụ mấy ngày mới có phản ứng, ví dụ uống rượu vào có khi 2 -3 ngày sau mới bị ngộ độc” - ông Vương nói.

Do vậy, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị có danh mục sử dụng chất cấm trong các lĩnh vực, các ngành để giải quyết thấu đáo vấn đề xử lý quy định VSATTP. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có danh mục chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cấm trong trồng trọt… để làm căn cứ khi xử lý và xem xét trách nhiệm. 

Theo Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016”, Đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn 2011-2016, về ATTP, Việt Nam đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP; các quy định hướng dẫn đã phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý ATTP. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng không tốt tới việc thực thi pháp luật. Một số quy định còn chưa phù hợp với thực tế quản lý ATTP, trong đó quy định về mức xử phạt trong BLHS còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, hành vi vi phạm về ATTP còn chưa được lượng hóa… 

Do vậy, Đoàn giám sát kiến nghị sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Thanh tra, Luật Đất đai, BLHS,… để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý, thống nhất và đồng bộ.

Đọc thêm